Nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Tội phạm bắt cóc trẻ em luôn được xếp vào loại tội phạm nguy hiểm, bởi các đối tượng này sẵn sàng ra tay hạ sát con tin nếu không nhận được tiền chuộc hay biết tin người nhà nạn nhân gọi điện thoại báo cảnh sát.

Hành vi bắt cóc trẻ em đang diễn biến khó lường với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất liều lĩnh, táo tợn. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các gia đình cần nâng cao tinh thần cảnh giác, có cách nhận diện sớm đối tượng có thể sẽ gây nguy hiểm cho con em mình. 

Pháp luật của nước ta không nương tay hay khoan hồng cho bất kỳ trường hợp nào thực hiện hành vi phạm tội bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, vì mục đích cá nhân, nhiều kẻ đã mang linh hồn mình bán cho quỷ dữ khi nỡ xuống tay sát hại những đứa trẻ ngây thơ, vô tội. Gần đây, một bảo mẫu còn rất trẻ quyết định bắt cóc cháu bé để yêu cầu chủ nhà bỏ tiền chuộc và cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của đứa trẻ mới gần hai tuổi đã gây rúng động dư luận. 

Nêu quan điểm về việc này, lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là vụ án thương tâm, đau lòng và đặc biệt nguy hiểm, đã tước đi mạng sống của cháu bé còn rất nhỏ. Điều này cho thấy tội phạm bắt cóc trẻ em đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động, khó lường. 

Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Trương Thị Thu Thủy khẳng định, trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ, do vậy mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em, đặc biệt là quyền sống, đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Dưới góc độ pháp lý, các đối tượng bắt cóc trẻ em và đòi gia đình tiền chuộc, hành vi này cấu thành “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự”.

Vụ việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng và cũng đặt ra những yêu cầu đối với cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội về những giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ. 

Để ngăn chặn tình trạng này, bà Trương Thị Thu Thủy cho rằng, các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ công tác xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chú trọng tới vấn đề giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là trang bị cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ (với những trẻ lớn) những kiến thức, kỹ năng để nhận diện các dấu hiệu, nguy cơ của tội phạm bắt cóc trẻ em, cách thức xử lý trong trường hợp trẻ bị bắt cóc.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những suy nghĩ và hành động tiêu cực có thể xâm phạm đến quyền trẻ em, tính mạng, sức khoẻ trẻ em… Đồng thời, phải xây dựng những chế tài đủ mạnh để bảo vệ trẻ em và xử lý những đối tượng có hành vi xâm hại đến tinh thần và thể xác của trẻ em.

Theo bà Trương Thị Thu Thủy, “Đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em” là chủ đề hoạt động xuyên suốt từ năm 2019 đến nay của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn cùng chung tay tạo ra một môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước. An toàn cho phụ nữ, trẻ em là một trong những vấn đề ưu tiên trong nội dung can thiệp ở giai đoạn II của Đề án 938 - Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

"Trong mảng công tác về bảo vệ trẻ em, chúng tôi đã và đang phối hợp với Tổ chức Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tại Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình giáo dục làm cha mẹ, trong đó tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc cần thiết cho trẻ, nhằm tạo điều kiện để trẻ được lớn lên, phát triển trong môi trường an toàn”, bà Trương Thị Thu Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình tại cộng đồng, trong đó bao gồm nhiều mô hình vận động, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ như: Nhóm Cha mẹ, Câu lạc bộ Làm mẹ an toàn, Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ khi mẹ vắng nhà, Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi…; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo… trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm