Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin - truyền thông trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin - truyền thông trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT hướng dẫn dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025. Thông tư được thực hiện theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng là các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Theo Thông tư, nhiệm vụ nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông được thực hiện thông qua công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong quản lý và trong công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ làm công tác quản lý báo chí, cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan, tổ chức. Đối tượng bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin, truyền thông, bao gồm lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; cán bộ cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; ưu tiên công chức văn hóa - xã hội cấp xã, phụ trách đài truyền thanh cấp xã; cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền thuộc cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Nội dung thực hiện là xây dựng nền tảng công nghệ, trang thiết bị công nghệ thông tin; thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn; xây dựng chương trình, tài liệu (tài liệu in, điện tử) phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng, bao gồm cả tiếng dân tộc thiểu số (nếu có); tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng: Thời lượng tổ chức trực tiếp không quá 5 ngày (bao gồm cả thời gian đi thực tế và đánh giá kết quả).

Đối với việc sản xuất và cung cấp sản phẩm thông tin, tuyên truyền dùng chung toàn quốc hoặc khu vực để phổ biến, tuyên truyền trên hệ thống cụm thông tin điện tử bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài (nếu có); sản xuất và cung cấp nội dung thông tin, tuyên truyền theo yêu cầu đặc thù của địa phương để phổ biến, tuyên truyền trên hệ thống cụm thông tin điện tử bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài (nếu có)...

Cũng theo Thông tư, việc cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo được thực hiện tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã đảo, huyện đảo tại điểm cung cấp dịch vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng.

Các điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng sẽ tiếp nhận các xuất bản phẩm, báo chí in từ Dự án và các chương trình, đề án khác để phục vụ nhân dân trên địa bàn; phục vụ (miễn phí) người dân đọc, sách, báo, tạp chí (bao gồm xuất bản phẩm điện tử và báo điện tử); cung cấp dịch vụ phục vụ truy nhập internet băng rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, đọc các xuất bản phẩm điện tử, báo điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Liên quan đến việc trang bị hệ thống thiết bị thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thông tin đối ngoại tại các xã biên giới, hải đảo sẽ ưu tiên cho các đồn biên phòng đóng tại các xã biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo.

Thông tư cũng quy định các nội dung về xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm điện tử, báo điện tử thiết yếu (bao gồm cả tiếng dân tộc thiểu số) để phổ biến tác phẩm có giá trị sử dụng lâu dài cho xã hội; phát triển các nền tảng công nghệ khác phục vụ giảm nghèo về thông tin; sản xuất mới các tác phẩm báo chí và các sản phẩm truyền thông khác để cung cấp nội dung thiết yếu cho xã hội; sản xuất với các xuất bản phẩm cung cấp nội dung thiết yếu; lựa chọn tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu, có giá trị phổ biến lâu dài để chuyển sang định dạng số và phát hành trên không gian mạng...

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 24/8/2022. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm