Nâng cao đời sống người dân vùng miền núi, dân tộc tỉnh Bắc Giang

Nâng cao đời sống người dân vùng miền núi, dân tộc tỉnh Bắc Giang

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền, năm 2023, tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện tốt các chính sách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng miền núi, dân tộc trong tỉnh.

Nâng cao đời sống người dân vùng miền núi, dân tộc tỉnh Bắc Giang ảnh 1Người Dao, thị trấn Tây Yên Tử trồng cây dược liệu làm thuốc. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Bắc Giang tập trung tuyên truyền phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, chính sách đặc thù của tỉnh đến cán bộ, đảng viên, nhân dân với nhiều hình thức để hiểu được, từ đó tích cực tham gia và giám sát thực hiện, huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng để tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn; đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các địa phương được thụ hưởng.

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách, đề án đã được Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2023, trọng tâm là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025; Kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2024...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Thanh Quyền cho biết thêm, năm 2023, Bắc Giang tăng cường huy động mọi nguồn lực, kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, chống lãng phí thất thoát; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện an sinh xã hội trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang tương đối ổn định. Các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục; các lễ hội, văn hóa, thể thao được hoạt động trở lại đã tạo tâm lý vui vẻ, phấn khởi trong cộng đồng dân cư. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, tích cực sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí thực hiện năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là trên 297 tỷ đồng. Một số nội dung đã được tổ chức thực hiện hiệu quả, tập trung vào việc đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số…

Thực hiện các chính sách dân tộc do địa phương ban hành, năm 2022 là năm đầu Bắc Giang triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đầu tư xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh, giai đoạn 2022 - 2024.

Từ đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp tham mưu UBND tỉnh phân bổ 45 tỷ đồng cho các huyện để xây dựng 22 công trình ngầm, 3 công trình cầu dân sinh. Đến nay, có 17 công trình đang thi công xây dựng; 8 công trình hoàn thành, chờ bàn giao, đưa vào sử dụng.

Tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật quy trình chăn nuôi ong thuộc Mô hình nuôi ong bản địa lấy mật; đồng thời tổ chức cấp phát 271 đàn ong giống bản địa cho 35 hộ khó khăn tham gia mô hình phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã An Bá, huyện Sơn Động. Tỉnh đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 668 lao động ở các thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang…

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm