Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt bậc

Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, nguồn nhân lực trở thành trung tâm của các mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vốn, công nghệ thông minh, tài nguyên. Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN
Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, nguồn nhân lực trở thành trung tâm của các mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vốn, công nghệ thông minh, tài nguyên. Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN

Với tiềm năng và lợi thế lớn, sở hữu lực lượng lao động dồi dào, Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Trong đó, việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý trung, cao cấp chất lượng cao là vấn đề nòng cốt trong hoạch định và thực thi đường lối, chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước để đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt bậc đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt bậc ảnh 1Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, nguồn nhân lực trở thành trung tâm của các mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vốn, công nghệ thông minh, tài nguyên. Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN

* Nguồn nhân lực khu vực công còn thấp

Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về tổng thể, cán bộ có trình độ Đại học trở lên ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ chiếm hơn 31%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước là 48,1%. Cụ thể, chỉ 7,4% tổng số cán bộ công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước đạt trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên; 13,3% cán bộ đã qua đào tạo về trình độ quản lý nhà nước. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, có đến 52,3% cán bộ có trình độ chuyên môn là sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo, trong đó tỷ lệ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chưa được đào tạo chuyên môn là 13,5%.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, việc phát huy vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý trung, cao cấp chất lượng cao thời gian qua của vùng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực theo yêu cầu đổi mới, năng động, sáng tạo và phát triển bền vững. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khu vực công của vùng chưa được chú trọng để xử lý các vấn đề trọng yếu.

Ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An cho biết, hiện 100% cán bộ và 75% lực lượng công chức, viên chức của tỉnh có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh là dù có 100% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên nhưng tỷ lệ sau đại học còn thấp, chỉ 32%; lực lượng công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp còn khá lớn với 25%. Bên cạnh đó, tỉnh thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế.

Đối với Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 31.000 cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, về trình độ chuyên môn, số lượng công chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ từ đại học trở lên là 98,4% và cấp xã là gần 73%; đối với viên chức là 64,6%. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương đối đông nhưng thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ, năng lực và chuyên môn giỏi. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo ở địa phương vẫn còn hạn chế.

* Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, năng lực hội nhập của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn một số hạn chế như: Thiếu các chiến lược phát triển có tính đến yếu tố tiếp cận toàn cầu; sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ thấp; chưa xây dựng được thương hiệu uy tín cao nên giá trị gia tăng ít và hạn chế trong tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế; khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp và ảnh hưởng ngày càng lớn đến sản xuất nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế...

Trong bối cảnh đó, để thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ đề ra, bên cạnh việc xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế phát triển, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, việc xây dựng nguồn nhân lực khu vực công có đủ và đạt chất lượng là yêu cầu cấp thiết. Các tỉnh, thành phố cần có đủ nguồn cán bộ cho các lĩnh vực quản lý nhà nước. Nguồn cán bộ này phải có năng lực tốt và có khả năng giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo xu hướng phát triển hiện nay như biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế hay nền kinh tế số.

Ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An cho rằng, trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, nguồn nhân lực trở thành trung tâm của các mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vốn, công nghệ thông minh, tài nguyên. Có thể nói nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững.

Để khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công hiện nay, ông Mai Văn Nhiều cho rằng, các địa phương cần rà soát lại thực trạng cán bộ, công chức, viên chức và phân tích quá trình chuyển biến về cơ cấu trình độ, chuyên môn, từng cấp ít nhất là trong 10 năm, đồng thời cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực, chú trọng chỉ tiêu phấn đấu về trình độ chuyên môn đối với cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã.

Cùng với đó, các địa phương quan tâm tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả, thân thiện, tạo cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức đóng góp, thăng tiến, hoàn thiện. Đó cũng chính là giải pháp khuyến khích nguồn nhân lực khu vực công học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phát huy vai trò và cống hiến.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết, tỉnh quán triệt chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm theo đúng quy định. Tỉnh tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, quy hoạch chức danh quản lý đối với đội ngũ nhân lực có trình độ sau đại học có chiều hướng, triển vọng phát triển tốt.

Ngoài ra, tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ nhân lực có trình độ cao về địa phương công tác; ưu tiên cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, những thách thức cho định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là kiến tạo, thiết kế thể chế, chính sách tạo động lực phát triển; quản lý môi trường, quy hoạch và phát triển đô thị; hệ sinh thái chuyển đổi số và chuyển dịch cấu trúc kinh tế vùng; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Để giải quyết các thách thức trên đòi hỏi một nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực khu vực công, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho 13 địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm cung cấp nguồn đội ngũ cán bộ quản lý trung, cao cấp chất lượng cao với tư duy đổi mới, sáng tạo, tích hợp công nghệ. Theo đó, trường triển khai 5 chương trình đào tạo gồm: Chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách công; Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công; Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý đô thị thông minh và sáng tạo; Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế và quản lý môi trường; Chương trình Công nghệ và đổi mới sáng tạo (dành cho hệ Đại học và các chương trình ngắn hạn).

Đây sẽ là một nhân tố quan trọng góp phần tích cực thực hiện thành công định hướng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long thông qua 3 trụ cột: thay đổi tầm nhìn và thể chế; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển bền vững.

Phạm Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm