Ngày 10/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên (VOV Tây Nguyên) tổ chức hội nghị đánh giá 30 năm xây dựng và phát triển.
VOV Tây Nguyên được thành lập tháng 6/1993, trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với chức năng nhiệm vụ chính là sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh các thứ tiếng dân tộc thiểu số Tây Nguyên; truyền dẫn các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên và làm công tác phóng viên thường trú. Từ 4 người ban đầu, đến nay VOV Tây Nguyên có quy mô 60 người, là cơ quan thường trú lớn nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bình quân hàng năm, VOV Tây Nguyên sản xuất hơn 2.000 tác phẩm báo chí; có các chương trình phát thanh 6 thứ tiếng dân tộc gồm Êđê, Jarai, Bahnar, Xơ Đăng, K’Ho và M’Nông. Đơn vị đã được tặng thưởng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng và Cờ thi đua Chính phủ…
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết, trong chiến lược phát triển, Đài chú trọng xây dựng các cơ quan thường trú ở địa bàn trọng yếu trong nước nhằm tạo điều kiện cho phóng viên kịp thời thông tin, phản ánh những sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Qua 30 năm xây dựng, phát triển VOV Tây Nguyên cho thấy, chiến lược báo chí hướng về cơ sở của Đài là hoàn toàn đúng đắn.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị, thời gian tới, VOV Tây Nguyên chủ động thích ứng với những thách thức, khó khăn tại địa bàn để xây dựng chiến lược phát triển theo từng giai đoạn; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình phát thanh tại chỗ theo hướng báo chí hiện đại, gần gũi với nhân dân, giàu bản sắc dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời, VOV Tây Nguyên cần đầu tư, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng xu thế chuyển đổi số, lấy thính giả, độc giả là trung tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 30 năm qua, ở các sự kiện và dấu mốc của tỉnh, VOV Tây Nguyên đều đã truyền thông kịp thời, với các sản phẩm báo chí phong phú - đa dạng. Tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên đang bước sang giai đoạn phát triển mới, với những yêu cầu, nhiệm vụ mới, được nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. VOV Tây Nguyên cần có kế hoạch tuyên truyền phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đặc biệt, VOV Tây Nguyên cần tiếp tục đổi mới chương trình, tăng cường truyền thông về chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia, cổ vũ nhân dân tăng cường đoàn kết, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng buôn làng và tỉnh Đắk Lắk ngày càng thịnh vượng.
Dịp này, 2 tập thể, 8 cá nhân của VOV Tây Nguyên nhận Bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam; 6 tập thể, 20 cá nhân nhận Bằng khen của UBND các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, truyên truyền.
Hoài Thu