Ngày mai (5/9), thầy và trò trên cả nước sẽ bước vào năm học mới 2023 - 2024, một năm học được coi là giai đoạn bứt tốc trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Trong không khí rộn ràng, háo hức chuẩn bị cho ngày khai trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên thể hiện sự kỳ vọng về một năm học với nhiều chuyển biến trong chế độ, chính sách cho giáo viên và nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Hi vọng tăng nguồn lực cho giáo dục
Chia sẻ niềm vui về sự đổi thay trong từng ngôi trường ở Tiền Giang, cô Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) cho biết: Trường là một trong những trường thuộc vùng nông thôn của tỉnh Tiền Giang. Những năm trước đây, các trường Tiểu học của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học, nhất là các trường thuộc vùng nông thôn ở xa. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hầu hết các nhà trường đã được xây dựng khang trang, bàn ghế dành cho học sinh và giáo viên đầy đủ, đúng quy cách, những con đường đất đã thay bằng những con đường nhựa, bê tông giúp học sinh thuận lợi đến trường. Bên cạnh đó, địa phương còn có những chính sách hỗ trợ dành cho học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh gặp khó khăn. Vì thế, 100% trẻ em trong độ tuổi Tiểu học của tỉnh đã được đến trường tham gia học tập.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước thềm năm học mới, cô Nguyễn Thị Duyên bày tỏ mong muốn có thêm các chính sách, nguồn lực hỗ trợ các nhà trường được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Bởi cơ sở vật chất phục vụ Chương trình mới còn thiếu nhiều, việc trang bị cho từng khối lớp còn hạn chế, chưa đồng bộ, một số phòng học chưa được trang bị đầy đủ máy tính, màn hình, máy chiếu, trang thiết bị dạy học…
Đối với chế độ tiền lương dành cho nhà giáo, cô Duyên cho rằng, mỗi giáo viên khi tham gia lĩnh vực giáo dục đều rất tâm huyết với nghề, tận tâm trong công việc, nỗ lực không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học. Song, với một giáo viên mới ra trường, mức lương hiện nay không đủ để trang trải cuộc sống, nhiều thầy cô phải chuyển ngành. Một số sinh viên học ra trường nhưng không đi dạy mà xin làm ở một số ngành khác do mức lương thấp. Do đó, trong thời gian tới đây, Nhà nước cần có mức lương phù hợp hơn để giáo viên yên tâm công tác.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) chia sẻ: Mong mỏi lớn nhất của các thầy cô là được tháo gỡ về chế, độ chính sách như chính sách tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế để giáo viên có thể được làm thêm bằng chính nghề của mình.
Nhận thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ Xây dựng Luật Nhà giáo, cô Hương bày tỏ, đây là một tin vui. Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với đội ngũ giáo viên; tạo cơ hội cho các thầy cô yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Là một giáo viên có gần 15 năm dạy học môn Âm nhạc cấp Trung học Cơ Sở, thầy Phạm Ngọc An, Trường Trung học Cơ sở Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) bày tỏ niềm vui với những đổi mới trong chương trình dạy học môn Âm nhạc, đặc biệt, lần đầu tiên, nội dung nhạc cụ được đưa vào chương trình. Tuy nhiên, thầy An trăn trở về việc dù có cả phân môn nhưng học sinh không được cung cấp đồ dùng học tập về nhạc cụ nên rất khó khăn trong triển khai hoặc phải bỏ đi hẳn một phân môn không thể triển khai giảng dạy. Vì vậy, thầy Phạm Ngọc An mong muốn, Việc đầu tư trang thiết bị dạy học tương ứng với những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điều kiện cần thiết để triển khai thành công chương trình này.
Bên cạnh đó, thầy An chia sẻ: Là giáo viên dạy nghệ thuật, các thầy cô sẽ kiêm nhiệm nhiều vai trò khác trong nhà trường như Tổng Phụ trách Đội; Bí thư Đoàn trường, công việc bận rộn quanh năm, thậm chí làm cả dịp hè, tập văn nghệ, chương trình vào ngày nghỉ. Song, phụ cấp cho giáo viên Tổng Phụ trách Đội hiện chỉ khoảng 1-2% lương cơ bản/tháng là rất thấp. Không chỉ vậy, nếu kiêm nhiệm Bí thư Đoàn trong các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở có nhiều việc phải làm như tham gia hoạt động Đoàn các cấp, triển khai các hoạt động kết nạp Đội viên, Đoàn viên hàng năm, tham gia các hoạt động ngoài giờ trong khi hoạt động chuyên môn, giảng dạy cũng rất nhiều, nhưng các thầy cô đang không được hưởng bất cứ chế độ nào như giảm trừ tiết dạy hay phụ cấp lương…
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, Trường Mẫu giáo Hoạ Mi (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho rằng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo đối với ngành Giáo dục, nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành, trong đó có chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình. Qua đó, chất lượng giáo dục được nâng lên. Tuy nhiên, hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác nên cần sớm có sự điều chỉnh tương xứng với công sức của giáo viên.
Sẽ có những chuyển động trong chính sách
Chia sẻ trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…
Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương, hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ và đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Đó được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học và Ngoại ngữ.
Về chế độ phụ cấp với giáo viên, Bộ trưởng thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Bước đầu, hai Bộ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ, ngành. Hy vọng, việc này sớm được thống nhất. Con số tuy nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Đối với giáo viên mầm non, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của giáo viên. Bởi thực tế cho thấy, giờ làm việc của giáo viên mầm non hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho giáo viên mầm non.
Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non - được đề cập và quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, hiện nay, Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. Do đó, cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng đảm bảo thu nhập và chế độ để không có sự thiệt thòi.
Đối với việc chuẩn bị các điều kiện về phòng học, thư viện, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương nên việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương về việc cần đặc biệt quan tâm để tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Một năm học mới lại bắt đầu, các đề xuất về chế độ, chính sách dành cho đội ngũ giáo viên đang từng bước có sự chuyển biến tích cực. Đây được coi là động lực quan trọng để mỗi nhà giáo trên cả nước yên tâm công tác; để mỗi thầy, cô đang hàng ngày bám bản, bám làng, gieo con chữ nơi vùng sâu, vùng xa có thêm niềm tin và sức mạnh gắn bó với học trò, với nghề dạy học; không ngừng nỗ lực, phấn đấu, dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Việt Hà