Năm học mới 2023 - 2024: Bắc Giang nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên

Năm học mới 2023 - 2024: Bắc Giang nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên

Năm học mới đã cận kề, nhưng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đang gặp khó trong việc bố trí giảng dạy do thiếu giáo viên, đặc biệt là ở bậc Mầm non và Tiểu học.

Hồ sơ nộp không đủ chỉ tiêu tuyển

Từ đầu năm đến nay, để bổ sung giáo viên cho các trường, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 2 đợt tuyển dụng. Trong đó đợt thi tuyển tháng 1/2023 tỉnh tuyển 160 chỉ tiêu giáo viên văn hóa Tiểu học nhưng chỉ có 98 thí sinh nộp hồ sơ và tuyển dụng được 91 giáo viên. Đợt thi tuyển tháng 6 vừa qua, Bắc Giang tuyển 692 chỉ tiêu giáo viên, ưu tiên phần lớn chỉ tiêu dành cho bậc Mầm non và Tiểu học. Tuy nhiên, giáo viên Tiểu học có 436 chỉ tiêu nhưng chỉ có 345 hồ sơ đăng ký. Dự kiến kết quả thi tuyển được công bố vào đầu tháng 9.

Năm học mới 2023 - 2024: Bắc Giang nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên ảnh 1Thầy cô trường Tiểu học Bắc Lũng, Lục Nam, Bắc Giang kiểm tra cơ sở vật chất trước thềm năm học mới. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Lý giải về nguyên nhân hồ sơ nộp không đủ chỉ tiêu tuyển, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quang Đông cho rằng, trong các đợt tuyển dụng, bậc Tiểu học, cụ thể môn văn hóa Tiểu học, môn Tin học số hồ sơ nộp không đủ chỉ tiêu do Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ của giáo viên Tiểu học thay đổi (nâng chuẩn từ trình độ Cao đẳng lên Đại học).

Đơn cử như tại huyện Lục Nam, cả hai đợt tuyển giáo viên huyện đều không tuyển đủ số lượng. Đợt tháng 1/2023, huyện cần tuyển 29 chỉ tiêu giáo viên văn hóa Tiểu học thì chỉ tuyển được 9 người. Tháng 6 vừa qua huyện cần tuyển 49 giáo viên văn hóa Tiểu học nhưng cũng chỉ có 21 hồ sơ nộp dự tuyển.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam Vũ Thanh Hải cho biết, huyện Lục Nam đang thiếu giáo viên so với quy định, nhất là bậc Tiểu học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu giáo viên mầm non đặc biệt là giáo viên dạy nhà trẻ chưa được biên chế theo quy định. Tính đến ngày 1/8, tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc mầm non đạt 1,82, so với định biên (tỷ lệ tối đa là 2 giáo viên/lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ) huyện còn thiếu 109 giáo viên. Ở bậc Tiểu học, tỷ lệ giáo viên/lớp của huyện đạt 1,3, so với định biên (tối đa 1,5 giáo viên/lớp) huyện còn thiếu 93 giáo viên văn hóa.

Tại trường Tiểu học Bắc Lũng, huyện Lục Nam, năm học 2023 - 2024 nhà trường có 25 lớp với 788 học sinh, tăng 43 học sinh so với năm học trước. Hiện tại, so với quy định 1,5 giáo viên/lớp thì trường còn thiếu 6 giáo viên, chủ yếu là giáo viên dạy văn hóa, tiếng Anh. Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, để đảm bảo dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nhà trường cần thêm một giáo viên tiếng Anh và 5 giáo viên văn hóa. Năm ngoái để đảm bảo chất lượng dạy tiếng Anh cho các khối lớp nhà trường đã ký hợp đồng với 1 giáo viên ở ngoài và vận động giáo viên ở trường dạy thêm 9 tiết/ tuần. Năm học này, khối lớp 3, 4 bắt buộc học 4 tiết tiếng Anh/tuần nên việc thiếu giáo viên ảnh hưởng lớn đến việc bố trí giảng dạy. Trước mắt, nhà trường đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường giáo viên cho trường. Nếu không được, trường sẽ vận động xã hội hóa để thuê giáo viên bên ngoài. Trường hợp xấu nhất là trường sẽ phải giảm tiết học tiếng Anh ở các khối lớp.

Gỡ khó để bảo đảm chất lượng dạy và học

Năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh Bắc Giang có 760 trường, hơn 15 nghìn lớp với trên 500 nghìn học sinh, tăng hơn 14,5 nghìn học sinh so với năm học trước. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bạch Đăng Khoa cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do số học sinh tăng lên; số biên chế giáo viên Trung ương giao cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu; không có nguồn tuyển giáo viên khiến cho cho việc tuyển dụng không đạt chỉ tiêu được giao. Cùng với đó là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là tổ chức dạy 2 buổi/ngày và việc hàng năm phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương.

Năm học mới 2023 - 2024: Bắc Giang nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên ảnh 2Thầy cô trường Tiểu học Dĩnh Kế, TP Bắc Giang khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thi đua dạy tốt học tốt. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học trong tình trạng thiếu giáo viên, với yêu cầu “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, thời gian qua các trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bố trí giáo viên dạy tăng tiết, ký hợp đồng với các giáo viên đã về hưu, sinh viên mới ra trường đủ điều kiện trong thời gian chờ thi tuyển. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Nội vụ điều động giáo viên dạy liên trường, liên cấp ở một số bộ môn để giải quyết tình trạng này.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quang Đông, để bổ sung nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giải pháp của Bắc Giang trước mắt là tăng cường bồi dưỡng, đào tạo văn bằng hai hoặc liên thông chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên tại các môn thừa sang giảng dạy tại các môn thiếu. Hiện nay, tỉnh đã tổ chức lớp Đại học liên thông môn văn hóa Tiểu học đối với 94 giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Trong đó có 39 người đã hoàn thành chương trình, được cấp Bằng Văn hóa Tiểu học; các trường hợp còn lại dự kiến hoàn thành chương trình, cấp bằng trong năm 2024.

Về lâu dài, tỉnh thực hiện tốt việc rà soát số lượng giáo viên còn thiếu để đề nghị tuyển dụng; thu hút các các thí sinh tỉnh ngoài, nhất là môn văn hóa Tiểu học về Bắc Giang công tác; rà soát, cơ cấu lại các lớp học, giảm số lớp học không đảm bảo tỷ lệ học sinh. Tỉnh tiếp tục rà soát số lượng giáo viên còn thiếu để đề xuất số lượng hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, định hướng công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng đối với các môn học còn thiếu giáo viên.

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có báo cáo Bộ Nội Vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu biên chế giáo viên của tỉnh năm học 2023-2024. Theo đó, để đảm bảo giáo viên cho các lớp học tăng thêm và tỷ lệ giáo viên/lớp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, trình giao bổ sung 3.308 chỉ tiêu biên chế giáo viên các cấp học (Mầm non 2.424 chỉ tiêu; Tiểu học 456 chỉ tiêu; Trung học Cơ sở 405 chỉ tiêu và Trung học Phổ thông 23 chỉ tiêu).

Một số ý kiến kiến nghị, để thu hút được giáo viên về công tác tại tỉnh, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa và để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác Bắc Giang có thể “nới” điều kiện tuyển dụng, ví như tuyển giáo viên văn hóa cấp Tiểu học chỉ cần có trình độ Cao đẳng (theo quy định phải là trình độ Đại học), sau khi được tuyển dụng sẽ bồi dưỡng lên trình độ Đại học. Tỉnh cũng cần nâng mức lương đối với giáo viên hợp đồng lên khoảng 7, 8 triệu đồng/tháng. Đối với các xã miền núi, xã khó khăn sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn giữ nguyên các phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên. Bên cạnh đó, tỉnh sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập để các địa phương, đơn vị trường học có căn cứ triển khai việc ký hợp đồng với giáo viên trong năm học 2023 - 2024.

Đồng Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm