Năm học 2024 - 2025, tỉnh Điện Biên thiếu hơn 2.000 cán bộ, giáo viên; trong đó thiếu gần 300 giáo viên dạy các môn như: Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Dù còn hơn nửa tháng nữa mới chính thức bước vào năm học mới 2024 - 2025, song những ngày này, hàng chục giáo viên các môn như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật và Giáo dục thể chất của huyện Điện Biên Đông đã tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xam Măn, xã Keo Lôm để ôn luyện kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp dạy học nhằm đáp ứng cho năm học mới - năm học được xác định là sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Năm học vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông quản lý 51 trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, 163 điểm trường với hơn 830 lớp, gần 23.000 học sinh các cấp học. Tuy nhiên, số lượng giáo viên môn tiếng Anh toàn huyện chỉ có khoảng 20 người. Giải pháp đưa ra trong năm học vừa qua là các giáo viên dạy liên trường, liên cấp, số lượng tiết dạy tăng lên gần như gấp đôi.
Theo cô giáo Phạm Thị Luyến, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông), mỗi giáo viên tiếng Anh ít nhất sẽ phải dạy tăng cường thêm một trường khác bằng phương pháp dạy học trực tuyến. Việc dạy nhiều trường, nhiều cấp khiến giáo viên bộ môn gặp phải áp lực không nhỏ. “Giáo viên tiếng Anh trong địa bàn huyện đang thiếu trầm trọng. Hiện, tôi đang dạy 2 trường và phải cố gắng hết mình để bố trí thời gian, sức khỏe để có thể bắt kịp được chương trình nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của tiết dạy...” - cô Phạm Thị Luyến tâm sự.
Không chỉ đối với bộ môn tiếng Anh, các giáo viên môn Âm nhạc cũng đang phải gồng lên để đảm bảo chương trình học cho học sinh do thiếu giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ: “Thiếu giáo viên Âm nhạc thì chúng tôi vẫn phải dạy đảm bảo số tiết của các lớp trong tuần và thường giáo viên Âm nhạc sẽ kiêm nhiệm thêm Tổng Phụ trách Đội. Theo quy định, tôi chỉ dạy 8 tiết/tuần, kiêm nhiệm Tổng Phụ trách Đội. Tuy nhiên vì thiếu giáo viên nên tôi phải dạy 13 tiết/tuần và kiêm Tổng Phụ trách Đội…”.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết, năm học vừa qua, các cấp học của huyện thiếu khoảng 90 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất ở bộ môn tiếng Anh. Năm học 2024 - 2025, huyện tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do việc thiếu giáo viên chuyên biệt. Để giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên chuyên biệt này, trước mắt, địa phương yêu cầu các đơn vị giáo dục trong toàn huyện không giao nhiệm vụ chủ nhiệm hoặc kiêm nhiệm khác để giáo viên chuyên biệt tập trung vào chuyên môn chính. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang nỗ lực chuẩn bị nguồn kinh phí để hỗ trợ một phần khó khăn cho giáo viên dạy tăng cường trong năm học tới…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, nguyên nhân thiếu giáo viên được xác định là do chưa có cơ chế tốt để thu hút giáo viên chuyên biệt lên công tác ở vùng biên giới. Sinh viên được đào tạo chuyên biệt các bộ môn này khi ra trường chỉ muốn làm việc ở các thành phố lớn vì có thu nhập cao hơn…
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát, bố trí sắp xếp giáo viên dạy các môn trên, đặc biệt là môn tiếng Anh hiện có ở các trường trong cùng huyện theo phương án: Một giáo viên có thể dạy 2 trường, giáo viên trung học cơ sở có thể dạy tiểu học, giáo viên ở huyện này hỗ trợ dạy trực tuyến cho học sinh huyện khác… Đồng thời, Sở đề nghị, các địa phương đầu tư trang thiết bị để dạy học trực tuyến, ưu tiên kinh phí chi trả tăng giờ cho giáo viên…
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, dù Sở, các đơn vị trực thuộc Sở và các huyện đều ưu tiên biên chế để tuyển loại hình giáo viên này, thậm chí cử đoàn công tác đến một số trường đào tạo giáo viên dạy các môn chuyên biệt để tuyển tuy nhiên nguồn tuyển vẫn rất hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc rà soát, bố trí sắp xếp giáo viên dạy các trường trong cùng huyện theo phương án một giáo viên có thể dạy 2 trường, giáo viên trung học cơ sở có thể dạy tiểu học, đơn vị cũng thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ phương pháp, phần mềm dạy tiếng Anh trực tuyến trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm học 2024 - 2025.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 45 chỉ tiêu đào tạo Đại học Sư phạm tiếng Anh; đề nghị Bộ tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt cho các cơ sở đào tạo giáo viên để các địa phương có thêm nguồn tuyển, tháo gỡ những khó khăn này...
Trung Kiên