Nam Định: Đưa nông sản lên nền tảng số

Nam Định: Đưa nông sản lên nền tảng số

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nhiều nông dân tỉnh Nam Định đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu trên các nền tảng số. Điều này không chỉ tiếp cận thị trường rộng, giúp tiêu thụ nông sản bền vững mà còn giảm chi phí, hình thành một hình thức tiêu thụ mới phù hợp với thực tế hiện nay.

Nam Định: Đưa nông sản lên nền tảng số ảnh 1Anh Lương Xuân Bắc (xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh) bán các sản phẩm nông nghiệp của gia đình qua sàn thương mại điện tử Postmart. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Đổi mới phương thức bán hàng

Không còn cảnh phải chạy đua để thuê một ki ốt hay cửa hàng thật rộng nằm ở mặt tiền đường giao thông hay trong khu chợ huyện, chợ tỉnh để giới thiệu, bán hàng, thay vào đó, anh Vũ Ngọc Duy (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) đã kết hợp 2 phương thức bán hàng là bán hàng trực tuyến và cung ứng hàng cho các đại lý; trong đó, bán hàng trên các nền tảng số có xu hướng ngày càng hiệu quả.

Anh Duy nhớ lại, nhận thấy đồng đất quê hương chiêm trũng, canh tác lúa không mang lại hiệu quả, sau khi dành thời gian học hỏi, nghiên cứu, năm 2020, anh Duy thuê lại 4.000m2 ruộng trũng trồng sen lấy củ. Cây sen vốn ưa đất bùn trũng nên việc trồng sen của gia đình khá thuận lợi. Ngay vụ đầu, sen đã cho kết quả tốt, củ sen trắng, to, nhiều bột, mang mùi thơm đặc trưng. Với định hướng đưa ra thị trường sản phẩm tinh bột củ sen, trà củ sen, anh đầu tư các loại máy móc hiện đại như máy rửa, máy nghiền, máy thái lát, máy sấy lạnh để phục vụ sản xuất.

Tuy vậy, khi vừa hoàn thiện xong dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng sâu rộng khiến cho việc bán hàng trở thành bài toán khó. Trong "cái khó ló cái khôn", với sự nhanh nhạy công nghệ, anh Duy đăng ký sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và thực hiện livestream quảng bá sản phẩm của gia đình.

Nam Định: Đưa nông sản lên nền tảng số ảnh 2Anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) hướng dẫn khách hàng quét mã QR code để kiểm tra thông tin sản phẩm tinh bột củ sen của công ty. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN  

Anh Duy cho biết, sản phẩm của gia đình anh bán trên các sàn thương mại điện tử như lazada, shopee, sen đỏ, các kênh youtube, tiktok, mạng xã hội facebook, zalo…; trong đó, gian hàng của gia đình trên sàn shopee đạt 20.000 lượt theo dõi. Anh cũng mở một trang website riêng của gia đình để quảng bá sản phẩm tạo thành mạng lưới đa kênh tiếp cận với khách hàng.

Theo anh Duy, khách hàng online thường là cá nhân. Mỗi đơn hàng có thể chỉ là một hoặc một vài sản phẩm. Tuy nhiên, đây lại là những "đại sứ thương hiệu" miễn phí giúp anh lan tỏa sản phẩm nhanh nhất, từ đây nhiều khách hàng tiềm năng đã liên hệ và đặt hàng với số lượng lớn.

Để có cơ sở pháp lý cho sản phẩm, anh thành lập Công ty cổ phần nông nghiệp Viagri, sản xuất đa dạng các sản phẩm như: tinh bột củ sen trà củ sen, trà lá sen, tinh bột củ sen mix hạt, rượu nếp cái hoa vàng… Đây đều là những sản phẩm tiêu biểu của địa phương; trong đó, sản phẩm trà củ sen đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Hiện tại, công ty bán hàng theo 2 kênh chính là bán qua sàn thương mại và bán hàng trực tiếp. Mỗi tháng, gia đình anh xuất bán khoảng 10 tấn hàng, trong đó lượng hàng bán qua các kênh thương mại điện tử chiếm 50%. Doanh thu trung bình hàng tháng đạt khoảng 200 triệu đồng.

Nam Định: Đưa nông sản lên nền tảng số ảnh 3Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh). Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Anh Duy chia sẻ, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, bán hàng trên các nền tảng số là xu thế tất yếu mang lại nhiều cơ hội giúp người dân phát triển sản phẩm với hiệu quả kinh tế vượt trội. Mặc dù hiện nay, người tiêu dùng rất muốn sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn, mang đặc trưng vùng miền, tuy nhiên, người nông dân hiện tại còn yếu và thiếu kiến thức về công nghệ thông tin, việc đầu tư thiết bị phục vụ bán hàng qua mạng còn hạn chế, do đó, sản phẩm nông nghiệp làm ra dù dồi dào nhưng vẫn chưa thể đến tay người mong muốn sử dụng.

Đồng hành cùng nông dân

Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết để có thể nhanh chóng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nông nghiệp tăng trưởng, phát triển bền vững hơn, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch 974/KH-SNN ngày 13/05/2022 triển khai chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh phổ biến ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, thiết lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 270 cơ sở thực hiện công bố chất lượng cho trên 500 sản phẩm; 133 cơ sở/doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP; GMP; VietGAP; ISO….; 33 cơ sở ứng dụng phần mềm nhật ký điện tử để quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm; 150 doanh nghiệp sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc đối với 230 dòng sản phẩm.

Nam Định: Đưa nông sản lên nền tảng số ảnh 4Anh Lương Xuân Bắc (xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh) hướng dẫn khách hàng quét mã QR code để kiểm tra thông tin sản phẩm trứng gà của gia đình. Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Đẩy mạnh thương mại điện tử, ngành đã hỗ trợ trên 150 cơ sở với trên 300 sản phẩm kết nối tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (VOSO, postmart, shopee, lazada, tiktok,…); xây dựng riêng một trang thương mại sản phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Nam Định.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp của tỉnh (mã vùng trồng, vùng nuôi; cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; dữ liệu quản lý khai thác thuỷ sản, hậu cần nghề cá…), tiến tới tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên nền tảng số (mạng xã hội, website,…). Chuyển đổi số thành một tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hiện nay bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, giúp cho nông nghiệp của tỉnh có bước chuyển mình.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông tuyên truyền về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhất là nông dân, đặc biệt là các nông dân trẻ - chủ thể chính và trực tiếp của ngành nông nghiệp, tạo nền móng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp…

Ngành phối hợp với các ngành chức năng hoàn thành việc số hoá hồ sơ, tài liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp của tỉnh tiến đến tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng, cải tiến chất lượng, mẫu mã, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, tập trung phát triển các kênh thương mại điện tử nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, ngành tập trung hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí về chuyển đổi số và thương mại điện tử trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt là hỗ trợ chuyển đổi số đối với thành phần kinh tế tập thể.

Nguyễn Lành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm