Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao

Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao

Nếu như na chính vụ rơi vào khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch và thời gian thu hoạch ngắn thì na trái vụ cho thu hoạch từ 2-3 tháng và kéo dài đến tháng 11-12 Âm lịch. Đây là thời điểm vào mùa thu hoạch na trái vụ, do sản lượng ít nên tiêu thụ nhanh và giá bán cao gấp 1,5-2 lần so với na chính vụ giúp người dân có thu nhập khá.

Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao ảnh 1Na trái vụ ở thôn An Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN

Gia đình anh Nguyễn Công Huy, thôn An Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, gia đình trồng na đã được 22 năm và có 2 vườn trồng, mỗi vườn có khoảng 500 cây na với tuổi đời trên 10 năm. Vào chính vụ, gia đình anh thu hoạch hàng chục tấn na; còn trái vụ 2 vườn của gia đình cũng cho thu về 4-5 tấn na. Với giá bán trung bình tại vườn từ 35-50 nghìn/kg, cao gấp 2 so với chính vụ, đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Anh Huy chia sẻ thêm, gia đình trồng giống na địa phương nên phù hợp với thổ nhưỡng và kháng sâu bệnh tốt. Sau khi thu hoạch chính vụ, tiến hành làm cỏ, xới đất, bón phân và để na ra trái vụ cần cắt tỉa cành để cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Đặc biệt cần chủ động và cung cấp nước tưới thường xuyên cho cây na. Để chủ động nước tưới, gia đình anh Huy lắp đặt hệ thống tưới tự động quanh vườn. So với cây trồng khác, cây na mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều.

Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao ảnh 2Vườn na của gia đình anh Nguyễn Công Huy, thôn An Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao ảnh 3Người dân thôn An Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch na. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN
Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao ảnh 4 Người dân bọc quả na tránh côn trùng đốt và sương muối gây hỏng quả. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN

Sau khi na ra trái, người dân tiến hành dùng túi ni lông bọc để tránh côn trùng đốt và tránh sương muối gây hỏng quả.

Là người thu mua na của bà con trong xã đem đi tiêu thụ, chị Đỗ Thị Hưng, thôn An Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều cho biết, mỗi ngày chị thu mua trung bình 3-4 tấn na (chủ yếu là na bở) và xuất đi các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Na trái vụ năm nay quả to, chất lượng quả tốt, thơm ngon, bảo quản được lâu nên khách hàng ưa chuộng và có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Na trái vụ được giá mang lại hiệu quả cao ảnh 5Phân loại na trước khi mang đi tiêu thụ. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN

Theo Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng hơn 1.000 ha trồng na, chủ yếu là giống na dai; trong đó, tập trung ở 2 xã An Sinh và Việt Dân. Do áp dụng khoa học kỹ thuật và trồng theo hướng VietGAP, na Đông Triều có chất lượng tốt, độ thơm, độ ngọt cao và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Do na ra trái vụ nên tiêu thụ dễ, đầu ra ổn định mang lại thu nhập khá cho người dân.

Không chỉ thị xã Đông Triều, hiện cây na đã được trồng nhiều ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như thị xã Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, diện tích trồng na trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.220 ha, chủ yếu tập trung ở thị xã Đông Triều, Quảng Yên, sản lượng hàng năm đạt 14.000 tấn. Na là cây ăn quả chủ lực của Quảng Ninh.

Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, cây na ở một số vùng đã già cỗi, giảm năng suất, chất lượng quả không cao. Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện ghép cải tạo giống na mới (ghép giữa na dứa Đài Loan và na bản địa) cho chất lượng tốt, thời vụ thu hoạch không trùng với giống na địa phương sẽ tạo điều kiện để gối vụ thu hoạch, mở rộng thị trường. Đồng thời, thông qua việc thay thế bằng giống na mới có năng suất ổn định, chất lượng tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân trồng na.

Đức Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm