Mừng, lo mùa mía

Mừng, lo mùa mía
Vụ mía 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh chuẩn bị khép lại và đây được xem là vụ mía thắng lợi khi bà con trúng mùa, bán được giá. Trong khi đó các nhà máy đường phải thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn mía nguyên liệu trong quá trình sản xuất, khó đạt chỉ tiêu về sản lượng ép theo kế hoạch. 

Vụ mía 2014-2015, người trồng mía Hậu Giang tìm được niềm vui vì có nguồn lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ.
Vụ mía 2014-2015, người trồng mía Hậu Giang tìm được niềm vui vì có nguồn lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ.  
 
Niềm vui người trồng mía

Đến thời điểm này, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang bước vào thời điểm thu hoạch mía cuối vụ. Hiện bà con đã đốn gần 10.000/11.500ha, trong đó, vùng mía lớn nhất tỉnh là huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy đã cơ bản thu hoạch xong, diện tích còn lại chủ yếu tập trung ở thành phố Vị Thanh. Có thể khẳng định rằng, sau 3 niên vụ trồng liên tiếp lao đao vì thị trường bấp bênh, mãi đến niên vụ này, nông dân trồng mía của tỉnh mới có thể nở nụ cười phấn khởi khi mía trúng mùa, bán được giá cao. Bà Nguyễn Thị Đang, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, vừa thu hoạch xong 7 công mía giống ROC 16 của gia đình, vui vẻ cho biết: “Do thời tiết thuận lợi nên năng suất mía đạt trên 15 tấn/công, nhưng điều mừng hơn là bán được giá 1.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cùng kỳ, thu về lợi nhuận kha khá”.

So với cùng kỳ năm trước, giá mía năm nay tăng từ 20-25%. Cụ thể, giống mía chín sớm ROC 16 được thương lái mua tại ruộng có giá từ 1.000-1.200 đồng/kg, các giống còn lại như: K88-92, KK6, KK4, QĐ93-159, K95-156, Suphanburi 7,… cũng dao động từ 900-1.100 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng mía có nguồn lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/ha, đây được xem là mức lãi cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ có nông dân hối hả thu hoạch mía, tại các cánh đồng mía, nhất là những ruộng mía chưa thu hoạch vào thời điểm này, nhiều thương lái cũng đang “chạy đôn, chạy đáo” đặt cọc mua mía với nông dân. Theo thông tin từ thương lái, do các nhà máy đường đang chào giá cao nên phải tranh nhau mua mía trong dân, nhiều thương lái thu mua còn không cần quan tâm đo chữ đường như các niên vụ trước đây; ngoài ra, còn mua theo hình thức mua “sô” toàn bộ cây mía trên một diện tích đất của bà con. Với diễn biến thuận lợi như hiện nay, hiện bà con rất kỳ vọng giá mía sẽ tiếp tục giữ ở mức cao cho đến thời điểm thu hoạch xong vụ mía này và tiếp tục kéo dài ở các vụ sau. Bà Phạm Thị Út, ở ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Năm nay mía có giá, mình mần có lời 6-7 triệu đồng/công, chứ như 2, 3 năm rồi rớt giá bị lỗ. Nếu mà giá mía từ 900 đồng/kg trở lên như vụ này thì bà con còn mần, còn thấp hơn nữa thì người ta sẽ ban đất để làm ruộng !”.

Lý giải về giá mía năm nay tăng cao, người dân có thu nhập tốt, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng: Đó là do giá đường thế giới nhích lên, năm nay ĐBSCL lại không bị lũ nên nông dân không phải gấp gáp thu hoạch mía khi chưa đủ chín, do vậy chữ đường cao. Mặt khác, đây cũng là một vụ mía có sự điều hành kịp thời của ngành nông nghiệp địa phương, từ việc bố trí cơ cấu giống, đến điều hành thời điểm vào vụ và thu hoạch sao cho phù hợp để đạt chữ đường cao nhất. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích mía toàn vùng ĐBSCL niên vụ này chỉ còn gần 42.000ha, giảm hơn 6.000ha so với niên vụ trước, cho nên các nhà máy đường thu mua nguyên liệu với mức giá cao hơn.

Nỗi lo nhà máy đường

Xuất phát từ nguyên nhân giá mía nguyên liệu liên tục giảm trong các năm trước nên người dân phá bỏ mía trồng các loại cây khác đã làm cho diện tích trồng mía bị thu hẹp dần, khiến nguyên liệu mía cung không đủ cầu. Trước khi vào vụ ép cho niên vụ mía 2014-2015, nhiều nhà máy đường khu vực ĐBSCL lo ngại khả năng sẽ thiếu hụt nguồn mía nguyên liệu trong quá trình sản xuất và tình trạng này đã xảy ra. Trên thực tế, hai nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) phải thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt mía. Có thời điểm, Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động một ngày, ngưng một ngày để đợi mía; còn Xí nghiệp đường Vị Thanh chạy được 3 ngày thì cũng phải dừng lại đợi mía 1 ngày. Do phải thường xuyên bị đứt nguồn mía nguyên liệu trong quá trình hoạt động nên đến thời điểm này, toàn công ty chỉ ép được 400.000 tấn mía, giảm khoảng 100.000 tấn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, lo lắng: Việc thiếu hụt nguồn mía nguyên liệu không chỉ làm chậm tiến độ sản xuất mà còn làm ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt khác như: chất lượng đường, tăng chi phí về nhiên liệu, nhân công,… Đến thời điểm này, vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh (huyện Phụng Hiệp) đã được nông dân thu hoạch gần dứt điểm, hiện công ty đang triển khai thu mua tại vùng mía thành phố Vị Thanh và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, tình trạng bị đứt nguồn mía sẽ tiếp tục xảy ra do diện tích mía còn lại không nhiều, bà con thu hoạch rải rác, khả năng công ty khó đạt sản lượng ép 1,2 triệu tấn mía theo kế hoạch.

Tình trạng thiếu hụt nguồn mía nguyên liệu trong vụ ép năm nay như là một hệ lụy tất yếu cho những niên vụ mía trước giá cả bấp bênh, người dân không còn mặn mà với cây mía nên chuyển sang nhiều cây trồng khác. Tuy năm nay, giá mía có phần được cải thiện, bà con tìm được “vị ngọt” đích thực từ cây mía, nhưng chuyện người dân có còn tiếp tục gắn bó với loại cây trồng này không thì vẫn còn bỏ ngỏ, do chưa an tâm về đầu ra, vẫn còn bấp bênh như những mùa vụ vừa qua. Chính vì vậy, đã đến lúc đòi hỏi các nhà máy đường, ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc ổn định vùng mía nguyên liệu…
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm