Ngày 2/12, ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ô, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, mực nước của các ao, hồ trên địa bàn xã dâng cao khiến một người đuối nước khi đi trông coi hồ cá của gia đình. Đó là anh Nguyễn Ngọc T. (23 tuổi, trú ở thôn 10, xã Ea Ô).
Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, làm hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng, nhiều điểm dân cư bị cô lập, nhiều cầu cống, tuyến đường bị cuốn trôi.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, mưa lũ đã làm 7 ngôi nhà tại huyện Krông Bông hư hỏng nặng, 30 nhà khác nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 63 nhà bị ngập, 468 hộ bị cô lập. Tại huyện M’Đrắk, có 64 hộ dân ở xã Cư San bị ảnh hưởng phải thực hiện di dời. Huyện Ea Kar có 200 hộ có nhà bị ngập lụt. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, hàng trăm ha hoa màu trên địa bàn các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông bị thiệt hại.
Quốc lộ 26 – tuyến đường độc đạo kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với Đắk Lắk cũng bị mưa lớn làm sạt lở đất, sụt lún nhiều điểm đoạn qua đèo M’Đrắk, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Đặc biệt, vào lúc 21 giờ ngày 30/11, tại Km53+400 Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Đrắk, huyện M’Đrắk) đã xảy ra sạt lở, sụt lún làm đứt một đoạn đường với chiều dài khoảng 50m, sâu khoảng 10m, khối lượng đất, đá bị sụt lún khoảng 10.000 m3 khiến giao thông qua đây bị tê liệt. Trước đó, lúc 17 giờ ngày 30/11, tại km 54 + 350, Quốc lộ 26 (đoạn qua xã Cư Mta, huyện M’Đrắk,) cũng xảy ra sạt lở đất, đá từ taluy dương xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông và làm hư hỏng khoảng 80m hộ lan mềm. Khối lượng sạt lở ước tính khoảng 1.000m3.
Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có Công điện yêu cầu chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố triển khai phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt. Trong đó, cần tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng ngập lụt sâu, chia cắt để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Tuấn Anh