Mạch ngầm vẫn chảy…

Mạch ngầm vẫn chảy…
Vài lần hẹn, khi em báo bận học chính khóa, lúc lại học thêm ngoại ngữ, mãi tôi mới được gặp em trong ngôi nhà ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), 13 tuổi, ra dáng thiếu nữ, nhưng vẫn còn vô tư, hồn nhiên và ưa… nhõng nhẽo. Chắc có lẽ là con út trong gia đình có 3 chị em, nên được cha mẹ, các chị thương yêu nhiều nên vậy.
Nghệ nhân Ba Thuận đờn cho đứa cháu cưng ca.


Nhắc đến Huỳnh Như, ở xóm biết ngay cô bé có gương mặt thanh tú, đôi mắt sáng hát tài tử nghe ngọt như… mía lùi. Em kể: “Cha mẹ em cũng thích ca tài tử và thường hát cho em nghe. Có lẽ, từ nhỏ em được hòa mình trong những giai điệu mượt mà trên chiếc võng đưa, nên từng câu hát ngấm vào và em biết hát lúc nào cũng không rõ. Trong một lần đi cùng các cô chú trong câu lạc bộ đờn ca tài tử ở xã, em hát lên mấy câu thì được vỗ tay lớn lắm. Rồi từ đó, mỗi lần đờn ca, các cô chú đều nhớ tới em…”.

Hỏi em có ước mơ theo đuổi nghệ thuật, Huỳnh Như hồn nhiên: “Em chưa biết nữa, em vừa thích hát, vừa rất thích học ngoại ngữ cho thật giỏi để sau này học chuyên ngành này. Em cũng thích học đàn tranh nữa”. Huỳnh Như là niềm hãnh diện của gia đình, không những xinh đẹp, hát hay, mà còn là đứa con ngoan, trò giỏi. Tựu trường tới, Như sẽ lên lớp 8 và trong suốt những năm học qua, luôn nằm trong top đầu của lớp. Với Như, ca hát chỉ là việc phụ, nhưng với mơ ước có cơ hội thử sức ở một cuộc thi lớn, nên dù tập trung cho việc học, em vẫn sắp xếp thời gian để tập luyện với ông ngoại. Như bảo đó cũng là cách mà những người nhỏ tuổi như em góp chút sức để môn nghệ thuật này được nhiều người biết đến và trân trọng hơn.

Lần theo câu chuyện em kể, tôi hỏi: “Mỗi lần em hát, ai đệm đàn?”. Như nói: “Ông ngoại đàn và cũng chính ông ngoại đã dạy hát khi thấy có chất giọng tài tử”. Đang nói chuyện, tôi thấy một người đàn ông tuổi đã ngoài 80, vác cây đờn kìm chầm chậm bước vào nhà. Huỳnh Như mừng ríu rít, giới thiệu: “Ông ngoại của em nè, nhà gần đây nên ông cháu thường chạy qua, chạy lại. Mà ông ngoại có bao giờ khen em đâu, hay la sao hát chưa đúng, chưa hay không hà”.

Câu chuyện lại có thêm màu sắc mới, khi tôi được giới thiệu ông là một trong những nghệ nhân đờn kỳ cựu, đờn cho câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương từ rất lâu. Ông là nghệ nhân Ba Thuận. Từ đây, tôi đã hiểu câu chuyện làm mình thắc mắc về niềm đam mê tài tử của cô bé Huỳnh Như, bởi trước đó, vẫn chỉ biết em có giọng hát thiên phú, cha mẹ kinh doanh và cũng yêu thích hát… Giờ mới rõ, thì ra em cũng là “con nhà nòi”. Được nghe đờn, ca từ rất sớm, nên tài tử như đã ngấm vào máu của Như.

Bên cây đờn, ông Ba Thuận chậm rãi: “Tôi mê đờn từ nhỏ, dịp nọ, may mắn được gặp một nghệ nhân ở Vĩnh Long truyền nghề, rồi mày mò tự học. Lúc đầu là ghi-ta phím lõm, sau này tới đờn kìm và cũng từ đó gắn bó với nó mấy chục năm nay. Trong đám con, cháu của mình, tôi chỉ thấy Huỳnh Như là chất giọng được. Mừng lắm, tôi cũng khó với nó, để nó không hát thì thôi, hát là phải hát cho tới, cho ra chất, đúng bài, đúng bản…”. Ông bảo rằng, già rồi, sức khỏe cũng không còn tốt, quên cũng nhiều, còn nhớ gì thì dạy lại, ai thích học là ông dạy… Nói vậy, chứ ông cực kỳ khó tính trong việc chọn người truyền nghề. Bởi với ông, muốn đờn hay, có tài không chưa đủ, mà cần phải có tâm, thì tiếng đàn mới vang xa, có hồn và truyền được cái hồn đến với người nghe. Vậy nên, học trò của ông không nhiều và ông vẫn đang tìm kiếm, mong đợi…

Nhìn ông say sưa bên cây đờn kìm, đứa cháu gái hồn nhiên hát khúc Nam Xuân, lại thấy như mạch ngầm đờn ca tài tử vẫn cứ chảy, vẫn đang được khơi và thắp truyền qua từng thế hệ.

 
Báo ĐIện tử Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm