Rừng đã bị xóa sổ hoàn toàn trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, xử lý ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh : Mai Hưng Thịnh - TTXVN |
* Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới quan trọng nhất của Luật Lâm nghiệp so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng?
- Luật Lâm nghiệp là luật mới, dựa trên cơ sở kế thừa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Luật Lâm nghiệp đã thể chế hóa được 3 chủ trương lớn của các nghị quyết: Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, khẳng định lâm nghiệp là một ngành kinh tế - xã hội vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.
Luật Lâm nghiệp đã thể chế theo Hiến pháp 2013. Hiến pháp 1992 quy định rừng núi thuộc sở toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý. Hiến pháp 2013 đã nêu rõ, chỉ có tài nguyên rừng sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Còn lại rừng được hình thành từ các tổ chức, cá nhân thì ai là người đầu tư thì sẽ là chủ sở hữu của rừng. Từ thể chế này, những chế định từ quản lý, các chính sách cho chủ rừng sẽ khác.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chỉ quy định đến hình thành rừng, tức là từ quản lý đến bảo vệ, phát triển rừng. Còn Luật Lâm nghiệp mở rộng đến chế biến và thương mại, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế. Như vậy, rõ ràng lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội có liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp: quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Đây cũng chính là cụ thể chiến lược xây dựng nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm là Luật Lâm nghiệp có làm giảm vai trò, ý nghĩa bảo vệ và phát triển rừng trong quản lý, bảo vệ rừng hay không?. Phát triển kinh tế có làm nhẹ vai trò bảo vệ, phát triển rừng hay không?
Tôi khẳng định Luật Lâm nghiệp có mở rộng, nhưng nội hàm bảo vệ rừng không giảm. Tất cả các nội dung, các chế định trong bảo vệ rừng của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đều được kế thừa, đặc biệt còn làm sâu sắc hơn yếu tố bền vững.
Phần lớn diện tích thuộc 175ha đã bị lấn chiếm và trồng các loại cây nông nghiệp ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Mai Hưng Thịnh - TTXVN |
* Luật Lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thế nào đối với người làm nghề rừng?
- Chúng tôi kỳ vọng Luật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho chủ rừng và những người bảo vệ rừng. Quyền và nghĩa vụ của từng loại chủ rừng được quy định rất cụ thể, mở rộng quyền sở hữu với người có công sức, đầu tư vào rừng.
Luật Lâm nghiệp có quy định rất mới về dịch vụ môi trường. Không phải chặt gỗ, khai thác lâm sản, những người dân làm nghề rừng vẫn có nguồn thu. Như vậy đã luật hóa Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Luật cũng mở rộng thêm các loại dịch vụ từ môi trường rừng như tín chỉ các bon. Về lâu dài, đây là nguồn tài chính ổn định và không kém so với lâm sản.
Năm nay, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ đạt 1.650 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên. Năm 2018, dự kiến sẽ thu khoảng 2.000 tỷ đồng, kéo theo sẽ tăng nguồn thu cho người làm nghề rừng.
Luật Lâm nghiệp cũng quy định quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bền vững. Khi chúng ta thực hiện được chứng chỉ rừng bền vững có nghĩa là đã xác nhận việc bảo vệ và phát triển rừng ổn định, lâu dài, tạo được niềm tin thị trường, thương hiệu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam.
* Những điểm mới trong tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp là gì?
- Lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. Bởi vậy, Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm.
Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Quy định như vậy sẽ linh hoạt và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động lâm nghiệp.
Đối với kiểm lâm, bổ sung quy định cụ thể hơn trong Luật về một số cơ chế, chính sách; đồng thời thêm thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng một cách hiệu quả.
* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !
Bích Hồng