Vĩnh Hưng là một trong những huyện biên giới của tỉnh Long An, tiếp giáp với Campuchia. Những năm gần đây, một số gia đình người Việt từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia) chuyển về sinh sống trên địa bàn xã. Họ dựng lều, cất chòi, làm nhà trên các bờ đê hoặc sống trên ghe dọc theo biên giới, tập trung ở các xã Tuyên Bình, Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).
Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học của những gia đình này đều mù chữ vì phải đi làm kiếm sống hoặc không có giấy khai sinh để nhập học như bao bạn bè cùng trang lứa.
Trong giờ lên lớp ở điểm trường Bình Châu, binh nhất Võ Hoài Ân dạy học viên lớp 1 đánh vần từng con chữ. |
Các lớp học được tổ chức từ tháng 3/2013 và duy trì liên tục hơn hai năm qua, nhằm giúp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện đến trường có cơ hội thoát khỏi tình trạng mù chữ, biết đọc, biết viết.
Sau một thời gian theo học, hầu hết các em đều biết mặt chữ, biết làm các phép tính đơn giản; nhiều em đã đạt chuẩn kiến thức lớp 1 và tiếp tục theo học chương trình lớp 2, lớp 3.
Hiện nay, các chiến sĩ biên phòng phụ trách khoảng 30 học sinh từ 5 - 16 tuổi. Trong đó, lớp 1 có 20 em, lớp 2 và 3 có khoảng 10 em. Sĩ số lớp cũng thay đổi liên tục vì các em sống phụ thuộc, thường xuyên di chuyển theo gia đình.
Binh nhất Huỳnh Thanh Trí, phụ trách lớp 2 và 3, hỗ trợ kiểm tra bài lớp 1 tại điểm trường Bình Châu. |
Sinh năm 2002, cậu bé Dương Văn Lượm chưa một lần cắp sách đến trường cho tới khi được tham gia lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học của các chiến sĩ biên phòng Tuyên Bình.
Lượm chia sẻ: Ba mẹ em sống bằng nghề dặm lúa thuê và bắt cá ở xã Vĩnh Bình. Hàng ngày em phải đi quét lúa ở kho, kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Sau một thời gian theo học, giờ đây em đã có thể đọc trơn tru những bài văn xuôi, đoạn thơ dài. Mỗi tối phải đi bộ cả cây số để đến lớp học nhưng em không ngại. Điều em lo lắng nhất là không biết khi nào sẽ phải nghỉ học để theo ba mẹ đi nơi khác làm ăn.
Tuy phải phụ giúp gia đình mưu sinh nhưng các em nhỏ vẫn đến lớp đêm đêm, góp nhặt từng con chữ. |
Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh Nguyễn Văn Nghi. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vợ chồng anh vẫn thu xếp cho các con tham gia lớp xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học do các chiến sĩ biên phòng đứng lớp. |
Ở lớp học ban đêm này, không chỉ học trò mà những thầy giáo đứng lớp cũng rất đặc biệt – những thầy giáo mang quân hàm xanh. Ngay từ khi thành lập lớp học, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã chọn đây là công trình thanh niên và phân công các chiến sĩ trẻ trực tiếp phụ trách lớp học.
Thiếu tá Đỗ Văn Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuyên Bình cho biết: Ban đầu, lớp học do Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tuyên Bình phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng, trường tiểu học Tuyên Bình tổ chức lớp theo kiểu “bình dân học vụ”. Học trò có khi ít khi nhiều, có ngày học ngày nghỉ nhưng các thầy giáo thì chưa lúc nào vắng mặt.
Để tranh thủ tối đa thời gian, giúp các em theo kịp chương trình như các bạn học trường chính quy, các chiến sĩ quyết định huy động ra lớp tất cả các buổi tối trong tuần, kể cả thứ Bảy và chủ Nhật. Học sinh được chia lớp theo trình độ để thầy giáo có thể kèm cặp cho từng em.
Binh nhất Võ Hoài Ân chia sẻ: Do không có nghiệp vụ sư phạm, lúc đầu, tôi và anh em chiến sĩ được phân công đứng lớp cũng gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn bị giáo án, cách truyền đạt… Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ các thầy cô ở Trường Tiểu học Tuyên Bình, Phòng giáo dục huyện và động viên của Ban Chỉ huy đồn, chúng tôi có thêm niềm tin, mạnh dạn lên lớp, rồi gắn bó với lớp học, với các em lúc nào không biết.
Cũng như Hoài Ân, binh nhất Đỗ Trọng Thắng, binh nhì Huỳnh Thanh Trí, những thầy giáo mang quân hàm xanh đã và đang đứng lớp đều có chung tâm niệm: Khi được phân công đứng lớp, ai cũng xác định đây là nhiệm vụ đồng thời cũng là vinh dự của một chiến sĩ biên phòng.
Qua thời gian tiếp xúc, dạy học, các thầy giáo - chiến sĩ càng hiểu và đồng cảm hơn với hoàn cảnh khó khăn của các em. Sau một ngày làm thuê, bán vé số để phụ giúp gia đình, nhiều học sinh không kịp ăn tối mà đến ngay lớp học.
Chính tinh thần ham học và sự tiến bộ của các em là nguồn động lực thôi thúc những người lính duy trì lớp học. Không chỉ dạy chữ, các chiến sĩ còn cố gắng truyền đạt cho các học trò của mình những kỹ năng ứng xử để các em sẽ có những kiến thức cơ bản nhất, giúp ích cho cuộc sống sau này.
Ngoài giờ lên lớp, những thầy giáo mang quân hàm xanh ở đồn biên phòng Tuyên Bình còn tổ chức vui chơi, phát quà bánh cho các em nhỏ, học viên của mình. |
Thành quả bước đầu cũng đã đến: sau hơn hai năm tổ chức, chương trình giảng dạy và nội dung các bài kiểm tra ở lớp học của đồn biên phòng Tuyên Bình đã được công nhận đạt chuẩn chung của ngành giáo dục. Đây là niềm động viên để các thầy giáo - chiến sĩ bộ biên phòng nơi đây phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập kiến thức lớp 5 cho trẻ em ở khu vực biên giới tại địa bàn đơn vị đóng quân, góp phần tạo niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các em./.