Sông Vàm Cỏ Tây đoạn chảy qua thị xã Kiến Tường, tuyến sông có nhiều tiềm năng phát triển giao thông đường thủy, không chỉ góp phần giảm tải cho các tuyến đường bộ Quốc lộ 32 mà còn rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đến cảng Quốc tế Long An. |
Nằm trên trục hành lang kinh tế phía Tây và là một trong những đầu mối giao thương quan trọng ở vùng Đồng Tháp Mười, kết nối với hệ thống giao thông xuyên Á, khu vực biên giới của tỉnh Long An bao gồm các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường, nơi có 3 cửa khẩu quốc tế là: Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây và Long Khốt đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhằm phát triển khu vực biên giới trở thành vùng kinh tế năng động, đồng thời hình thành một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành những chính sách ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giao thông nông thôn ở xã biên giới Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường được mở rộng, bê tông hóa, góp phần vào việc lưu thông được thuận lợi hơn. |
Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Tainan Enterprises - một trong những nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. |
Theo ông Trương Văn Triều, Trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Long An, với quy mô hơn 13.000 ha, Khu kinh tế cửa khẩu Long An hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến triển khai dự án như: Công ty TNHH Tainan Enterprises Việt Nam đầu tư 65 triệu USD xây dựng nhà máy may, dệt, nhuộm có quy mô 16,9 ha; Công ty TNHH MTV Thương mại Hữu nghị Asean đầu tư xây dựng cửa hàng miễn thuế và kho chứa; Công ty nước giải khát Khánh An đầu tư xây dựng bến cảng và kho ngoại quan... Không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, những dự án này cũng góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế khu vực nói chung, tỉnh Long An nói riêng.
Toàn cảnh thị xã Kiến Tường (Long An) - đầu mối giao thông quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh Long An. |
Ông Huỳnh Kỳ Tâm ở ấp Gò Dưa (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) đã hiến khoảng 1500 m2 đất để làm đường xây dựng nông thôn mới; mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong ảnh: Mô hình nuôi dê giúp gia đình ông Tâm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. |
Nông dân xã Bình Hiệp dự Hội thảo tổng kết mô hình mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Nhà Văn hóa - Thể thao ấp Ông Nhan Đông. |
Với mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất lúa, sản lượng hơn 2 triệu tấn/ năm, các địa phương trong vùng đã tổ chức hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học, sử dụng giống xác nhận, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP… Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, thị xã Kiến Tường có 3 xã là: Thạnh Hưng, Tuyên Thạnh và Bình Hiệp nằm trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có tổng diện tích 2.500 ha. Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất ở khu vực biên giới của địa phương...
Danh Lợi - An Hiếu - Anh Đức