Long An công nhận Xóm Trầu là di tích lịch sử cấp tỉnh

Di tích lịch sử Xóm Trầu tại ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN
Di tích lịch sử Xóm Trầu tại ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Ngày 18/7, UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An tổ chức công bố quyết định Xóm Trầu (ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Long An công nhận Xóm Trầu là di tích lịch sử cấp tỉnh ảnh 1Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Thành Thanh trao bằng di tích lịch sử cấp tỉnh Xóm Trầu. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

“Xóm Trầu” xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, là tên gọi quen thuộc của nhân dân địa phương. Theo truyền thuyết dân gian, nơi đây từng là khu vực buôn bán trầu và tên gọi Xóm Trầu cũng xuất hiện từ đó, tồn tại đến ngày nay. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại Xóm Trầu đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; ghi dấu thời kỳ hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo; quá trình chiến đấu và hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng tộc, thống nhất đất nước.

Với vị trí, địa hình thuận lợi, tháng 9/1939, tại Xóm Trầu đã diễn ra cuộc họp thành lập Quận ủy đầu tiên của quận Thủ Thừa. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ - 1940, Xóm Trầu là địa điểm họp để thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa quận Thủ Thừa. Đồng chí Nguyễn Văn Tiếp - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ và đồng chí Nguyễn Văn Ban - Bí thư Tỉnh ủy Tân An từng đứng chân ở Xóm Trầu để lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ trên địa bàn Trung Quận (huyện Bến Lức ngày nay), Thủ Thừa và Tân An. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, khu vực Xóm Trầu là chốt giao liên, chốt hậu cần nằm trên tuyến hành lang chiến lược, vận chuyển vũ khí từ biên giới xuống chiến trường.

Những tháng cuối năm 1969, địch đánh phá ác liệt làm chiến trường Bến Thủ bị chia cắt; Huyện ủy thành lập Ban cán sự Đảng do đồng chí Phạm Thanh Phong làm Bí thư. Ban cán sự Đảng phân công cán sự viên bám trụ địa bàn, xây dựng chính trị, xây dựng căn cứ trong dân, xây dựng hầm bí mật, trong đó có hầm bí mật tại Xóm Trầu. Tại căn hầm này, đồng chí Phạm Thanh Phong (sau này đồng chí Phạm Thanh Phong là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Bí thư Tỉnh ủy Long An khóa V, khóa VI (1993-1999) và một số đồng chí khác từng trú ẩn để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong những năm tháng khó khăn, thăng trầm, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn hầm bí mật này hiện đã được phục hồi lại nguyên trạng để ghi dấu về một thời kỳ chiến tranh ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng trên quê hương Long An.

Long An công nhận Xóm Trầu là di tích lịch sử cấp tỉnh ảnh 2Di tích lịch sử Xóm Trầu tại ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu trên, di tích Xóm Trầu đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Di tích lịch sử Xóm Trầu được UBND huyện Bến Lức quan tâm đầu tư xây dựng, trùng tu từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.

Đức Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm