Ngày 2/11, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 3/5/1968. Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được và Ban liên lạc Tiểu đoàn 263.
Tiểu đoàn 263 được thành lập tháng 11/1963 tại xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) trên cơ sở Đại đội 295 của Quân khu 8 cùng 3 đại đội bộ binh của các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nhiều lực lượng bổ sung khác. Năm 1972, Tiểu đoàn 263 được đổi tên thành Tiểu đoàn 7. Sau ngày đất nước thống nhất, Tiểu đoàn 7 được sáp nhập với Tiểu đoàn 6, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa làm kinh tế, khai hoang phục hóa. Trong Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Tiểu đoàn 7 tham gia bảo vệ biên giới, giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt, truy quét tàn quân Pol Pot. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Tiểu đoàn 263 đã lập nên nhiều chiến công vang dội.
Trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 3/5/1968 (ngày 7 tháng 4 âm lịch), tại ấp Cầu Ván (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đã diễn ra trận chống càn ác liệt của bộ đội Tiểu đoàn 263 thuộc Trung đoàn 2 (Quân khu 8) đương đầu với Sư đoàn 7 của ngụy quân. Địch có hỏa lực mạnh, vũ khí tối tân, quân số đông hơn gấp nhiều lần nên bộ đội ta gặp nhiều khó khăn, thử thách. Trong thế trận chênh lệch về lực lượng, trang bị vũ khí, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 đã chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã hy sinh. Trận chống càn và những tấm gương hy sinh oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 ngày 3/5/1968 là một minh chứng cho sự ác liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vùng ven Sài Gòn, trong đó có Châu Thành là một trong những chiến trường vô cùng khốc liệt.
Sau trận chống càn, nhân dân địa phương cùng bộ đội đã tập trung tìm kiếm, an táng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263. Mặc dù bị kẻ thù kiểm soát, khống chế nghiêm ngặt nhưng nhân dân ấp Cầu Ván, xã An Lục Long với tấm lòng tri ân, kính trọng những người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã âm thầm cúng giỗ anh linh các anh hùng liệt sĩ vào ngày mùng 7 tháng 4 âm lịch hàng năm. Nghĩa cử cao đẹp này duy trì liên tục cho đến ngày thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, hài cốt của các liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Châu (nay là Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Châu Thành - Tân Trụ, Long An). Kính phục tinh thần chiến đấu, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, vào ngày mùng 7/4 âm lịch hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Long An, Bến Tre và Tiền Giang lại tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 (Quân khu 8) đã hy sinh oanh liệt trong trận đánh lịch sử năm xưa. Suốt hơn nửa thế kỷ, nghĩa cử đầy tính nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ấy đã trở thành truyền thống, góp phần phát huy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của nhân dân địa phương.
Phát biểu tại Lễ khánh thành và đón nhận Bằng xếp hạng di tích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh: Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, công trình xây dựng Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 263 đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với tổng kinh phí khoảng 17 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 thuộc Trung đoàn 2, Quân khu 8 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 3/5/1968 được UBND tỉnh Long An công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Phạm Tấn Hòa khẳng định, công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các cựu chiến binh và thân nhân các Liệt sĩ Tiểu đoàn 263, cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân 3 tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang; thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", góp phần thiết thực vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc. Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263, xứng tầm là một trong những di tích lịch sử trọng điểm của tỉnh; tham gia quản lý, khai thác một cách khoa học và hiệu quả di tích, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đức Hạnh