Linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19, sớm trở lại trạng thái "bình thường mới"

Để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch COVID-19, sáng 25/9/2021, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tiểu thương và nhân viên chợ Hôm - Đức Viên, phường Phạm Đình Hổ. Ngày 26/9, các tiểu thương bán
Để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch COVID-19, sáng 25/9/2021, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tiểu thương và nhân viên chợ Hôm - Đức Viên, phường Phạm Đình Hổ. Ngày 26/9, các tiểu thương bán

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 24/9 đến 17 giờ ngày 25/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.706 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh; 9.682 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.152 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố; có 4.377 ca trong cộng đồng.

Linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch COVID-19, sớm trở lại trạng thái "bình thường mới" ảnh 1Để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch COVID-19, sáng 25/9/2021, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tiểu thương và nhân viên chợ Hôm - Đức Viên, phường Phạm Đình Hổ. Ngày mai 26/9, các tiểu thương bán hàng thiết yếu trong chợ hoạt động bình thường, các tiểu thương còn lại tạm dừng hoạt động đến khi có thông báo mới. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh (4.046 ca); Bình Dương (3.629 ca); Đồng Nai (996 ca); Long An (193 ca); Bình Phước (147 ca); An Giang (117 ca)... Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 746.678 ca nhiễm; 516.449 ca đã được công bố khỏi bệnh; 18.400 bệnh nhân đã tử vong do liên quan đến COVID-19.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.461 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ 2.807 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 753 ca; thở máy không xâm lấn 127 ca; thở máy xâm lấn 742 ca; ECMO 32 ca.

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 12 - 18 giờ ngày 25/9, trên địa bàn Hà Nội không ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, từ 18 giờ ngày 24/9 đến 18 giờ ngày 25/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều ở khu cách ly, trong đó quận Hoàng Mai có 2 ca, Thanh Xuân và Sóc Sơn mỗi nơi 1 ca.

Số ca mắc COVID-19 cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 3.965 ca, trong đó 1.601 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, 2.364 ca là người đã được cách ly.

Liên quan đến 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận ngoài cộng đồng ngày 24/9, các lực lượng chức năng đã điều tra, truy vết được 16 trường hợp F1, 29 trường hợp F2 và 123 người liên quan đến ca dương tính tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; 26 trường hợp F1 và 313 trường hợp liên quan đến ca dương tính tại huyện Thanh Oai. Kết quả xét nghiệm của các trường hợp này đều âm tính với SARS-CoV-2.

Phấn đấu đến 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới

Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái "bình thường mới", tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, nhanh chóng hoàn thiện bộ tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Các bộ, ngành, địa phương thành lập ngay các Tổ công tác về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội do người đứng đầu làm Tổ trưởng; đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Về vấn đề vaccine, cùng với tổ chức tiêm chủng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học, theo đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch cho thời gian trước mắt và cả trong những năm tiếp theo.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch đúng đối tượng; khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp và sáng kiến trong phòng, chống dịch; đồng thời phòng, chống, xử lý nghiêm theo pháp luật trước các hiện tượng, hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch…

Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; hơn 10.400 xã, phường, thị trấn trên cả nước, sáng 25/9, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” dự kiến sắp được ban hành.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính: Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100 nghìn dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp "bình thường mới" tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).

Về thời gian đánh giá và chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đánh giá cấp độ dịch hàng tuần và trong 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển cấp độ dịch và thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch trong vòng 72 giờ.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp căn cứ vào tình hình dịch quyết định cấp độ dịch và các biện pháp thích ứng an toàn; chỉ đạo việc đáp ứng các chỉ số bắt buộc, đánh giá mức độ đáp ứng theo quy mô xã/phường. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá, chỉnh sửa Hướng dẫn phù hợp với từng giai đoạn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hướng dẫn tạm thời cần cập nhật đầy đủ về tình hình dịch COVID-19 trên cả nước cũng như sự chủ động về nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị... Tuy nhiên, mức độ dịch ở các địa phương rất khác nhau, do đó, các địa phương phải chủ động góp ý Hướng dẫn tạm thời để thực hiện thuận lợi hơn.

Đề nghị bổ sung quy định vùng phong tỏa với biện pháp xét nghiệm khác với các vùng nguy cơ khác, Phó Thủ tướng cho rằng, các tỉnh, thành phố phải là cấp chịu trách nhiệm về Trạm y tế lưu động, phòng khi cấp dưới có quá nhiều ca mắc COVID-19, trạm y tế cơ sở không kịp ứng phó...; đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, tạo điều kiện để các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu cần thiết, mở thêm kênh truyền hình địa phương để phục vụ giáo dục học sinh dân tộc thiểu số trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng của dịch, không thể đến trường.

Khẩn trương xây dựng hướng dẫn sử dụng vaccine COVID-19 Hayat-Vax và Abdala

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Dự án tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng hướng dẫn tiêm chủng các loại vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trước ngày 5/10.

Vaccine Hayat- Vax được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép trong tình trạng khẩn cấp ngày 10/9. Vaccine Hayat - Vax do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vaccine này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Vaccine Abdala được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép trong tình trạng khẩn cấp ngày 17/9. Vaccine Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba.

Ngày 20/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 109 về việc mua 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.

Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận khoảng 53 triệu liều vaccine và đã phân bổ 47 đợt khoảng 50,2 triệu liều vaccine cho các địa phương; trong đó, ngày 19/9 là đợt phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều vaccine trong một đợt.

Bổ sung phương án tuyển sinh đối với thí sinh không tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông do dịch bệnh

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn số 4199 gửi các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non về việc bổ sung phương án tuyển sinh đối với thí sinh không tham dự được Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông do dịch bệnh.

Theo công văn, do diễn biến của dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía Nam nên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức kì thi đánh giá năng lực như kế hoạch đã thông báo. Ở phía Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kì thi này vào ngày 26/9/2021.

Để tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường chủ động rà soát, công bố đề án tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành trước 15 ngày so với ngày xét tuyển.

Đồng thời, các trường xem xét bổ sung phương án tuyển sinh số lượng chỉ tiêu đã dành lại cho đối tượng thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không thể tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đợt 2 do dịch bệnh. Phương án này có thể xét kết quả học tập cấp Trung học Phổ thông kết hợp thi đánh giá trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến, kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội…

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 15.000 thí sinh của 44 tỉnh, thành phố đã không thể dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, được xét đặc cách tốt nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi tuyển sinh cho nhóm đối tượng trên, ngày 10/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm yêu cầu điều chỉnh đề án tuyển sinh, dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và được đặc cách tốt nghiệp này.

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm