Bài 2: Đồn là nhà, biên giới là quê hương
Những người lính mang quân hàm xanh nơi biên cương của Tổ quốc luôn xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, những người lính biên phòng phải căng mình bám trụ ở các chốt kiểm soát dịch bệnh, thầm lặng hy sinh tình cảm cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn trực tiếp tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương, đóng góp trí tuệ và công sức để tìm hướng đi phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới khó khăn.
Vì biên giới thân yêu
Những ngày đầu tháng 10, những cơn mưa rừng nặng hạt vẫn không ngăn được bước chân của những người lính Đồn Biên phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trên dải biên giới. Những ngày này, vừa phải căng mình tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đường biên giới giáp huyện Sê Pôn (tỉnh Savannakhet) của nước bạn Lào, những cán bộ, chiến sĩ của Đồn vừa lao mình giữa dòng nước lũ giúp dân di chuyển đồ đạc, sơ tán dân, cắm biển báo tại các cầu tràn, khu vực ngập lụt.
Đã 5 tháng nay chưa được về nhà thăm vợ con, gia đình, tranh thủ giờ phút nghỉ ngơi, tìm một chỗ có sóng điện thoại, Thiếu tá Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Hướng Lập gọi điện về nhà hỏi han tình hình sức khỏe gia đình, vợ con. Cuộc điện thoại ngắn ngủi thường mở đầu bằng những lời hỏi han thường nhật và kết thúc bằng lời dặn dò “Các con ngoan nhớ nghe lời mẹ, hết dịch rồi bố sẽ về!”. Vợ chồng anh Thiết kết duyên từ năm 2013, nhưng phải đến năm 2019, sau bao ngóng đợi, vợ anh sinh đôi 2 người con một trai, một gái. Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang thì bé trai bị bệnh tim bẩm sinh, đến đầu năm 2020 sức khỏe cháu chuyển biến nặng nên phải đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật và điều trị. Sau ca mổ, sức khỏe của cháu vẫn chưa thể tốt lên được do chịu các di chứng của bệnh tim và tăng áp phổi cần được điều trị lâu dài. Chưa kịp chăm sóc, gần gũi với con bao lâu thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên gác lại nỗi niềm, hoàn cảnh riêng, giao con lại cho vợ anh lên đơn vị trực chốt, cùng đồng đội bảo vệ quê hương.
“Từ ngày cháu ốm, vợ mình phải nghỉ việc ở nhà để chăm con. Cũng may, nhà mình ở gần ông bà nội nên hai cháu có người chăm sóc. Nhiều lúc nghĩ thấy thương vợ, thương con lắm, nhưng vì trách nhiệm của một người lính biên phòng với quê hương, Tổ quốc, nên mình phải cố gắng hơn. Ở đơn vị, không phải chỉ riêng mình mà còn có nhiều anh em, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt hơn. Vượt lên tất cả, anh em chúng tôi cùng chia sẻ, động viên nhau cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”, Thiếu tá Hoàng Minh Thiết chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, những người cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh vẫn ngày đêm âm thầm gác lại những nỗi niềm riêng, dồn nén lại những tình cảm, hạnh phúc cá nhân để cùng đồng đội chung vai sát cánh bảo vệ dải biên cương của Tổ quốc. Các anh đã không quản ngày đêm bám trụ biên giới, tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào nội địa. Mọi sự cống hiến dù là nhỏ nhất cũng đã góp phần vào thành công chung của cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.
Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: Đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Hướng Việt và xã Hướng Lập, nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi, đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nỗ lực thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” mà cấp trên giao phó. Trong đơn vị, nhiều anh em đã gần 8 tháng nay chưa thể về thăm nhà, nhưng mọi người luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, đặt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó lên hàng đầu với quyết tâm thực hiện tốt nhất. Hiện nay, được sự quan tâm của cấp trên, 100% chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn đã được đầu tư kiên cố hóa. Chính điều đó đã giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ, tạo điều kiện để anh em yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực biên giới.
Người con của bản làng
Đưa cán bộ Biên phòng về tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương vùng biên giới là chủ trương lớn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện trong nhiều năm qua. Thực tế nhiều cán bộ Biên phòng tăng cường ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị đã phát huy được vai trò “cầu nối” giữa Đảng ủy Đồn Biên phòng với Đảng ủy xã trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đời sống nhân dân ở vùng biên giới ngày càng khởi sắc.
Về tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, huyện A Lưới gần 10 năm, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân luôn trăn trở xây dựng những mô hình kinh tế mới, hiệu quả, để bà con có thể học tập, làm theo, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Nhìn vườn chuối xanh tốt với những buồng quả nặng trĩu đang chuẩn bị cho thu hoạch, cùng với đàn bò, đàn dê lên đến hàng chục con tại trang trại của vợ chồng anh Hồ Xuân Bảy ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, ít ai nghĩ rằng đây từng là khu đất đồi khô cằn, bỏ hoang, cây dại mọc um tùm. Tin tưởng vào đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã tăng cường từ Đồn Biên phòng về luôn sát cánh, lăn lộn cùng với gia đình trong những ngày đầu khai hoang mở đất, cùng với những gợi mở về hướng phát triển kinh tế trang trại vườn đồi, vợ chồng anh Hồ Xuân Bảy đã mạnh dạn làm theo. Từ hai bàn tay trắng, đến nay hai vợ chồng anh Bảy đã có thu nhập bước đầu hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Anh Hồ Xuân Bảy chia sẻ, anh Dũng như người trong gia đình, tận tình góp ý và động viên vợ chồng anh từ lúc hình thành ý tưởng, lựa chọn cây giống, vật nuôi, cũng như tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng lên mô hình trang trại như hiện nay. Thời gian tới, gia đình còn dự định sẽ đào ao để nuôi cá và mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Từ những thành công ban đầu này, anh Dũng đã giới thiệu nhiều bà con trong xã tới học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế vườn đồi.
Từ khi được cấp trên tin tưởng, giới thiệu về tham gia cấp ủy tại địa phương, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng đã không ngừng tự học tập và thông thạo tiếng của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu nơi đây. Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc biết tiếng của đồng bào giúp ích rất nhiều cho công việc hằng ngày tại địa bàn, qua đó hiểu sâu được phong tục tập quán văn hóa, tâm tư, tình cảm của bà con. Đồng thời, bản thân anh thuận lợi hơn trong việc vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng mà bà con phản ánh để cùng với lãnh đạo xã giải quyết kịp thời.
Đối với già làng Hồ Văn Hạnh, ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng như người con của bản làng, mọi vấn đề phát sinh trong cộng đồng đều được đồng chí Dũng tiếp thu lắng nghe ý kiến của bà con và nhiệt tình đôn đốc cán bộ chức năng của xã giải quyết rốt ráo, mang lại niềm tin yêu trong nhân dân. Già làng Hồ Văn Hạnh chia sẻ, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng là cán bộ tăng cường lâu năm nhất, gắn bó với đồng bào gần 10 năm qua. Với vai trò là lãnh đạo xã, đồng chí Dũng đã tham gia xây dựng nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế, phát triển đảng viên, tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội ở địa phương được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Với uy tín của mình, bà con nhân dân trong xã đã đặt trọn niềm tin bầu đồng chí Dũng là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Trung Sơn, nhiệm kỳ 2021-2026, với số phiếu rất cao, qua đó cùng bà con chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên.
Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tham mưu cho Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế chủ trương đưa nhiều cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã phụ trách quốc phòng - an ninh và tham mưu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công 15 cán bộ Biên phòng về tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn trên hai tuyến biên giới đất liền và tuyến biển, trong đó 13 đồng chí được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, 4 đồng chí được bầu vào Hội đồng nhân dân xã. Thời gian qua, những cán bộ Biên phòng về tăng cường cho các xã biên giới đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, là trung tâm đoàn kết của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường đã thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho địa phương xây dựng địa bàn vững mạnh, phát huy sức mạnh của địa phương trong bảo vệ biên giới, xây dựng nông thôn mới và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, những cán bộ Biên phòng tăng cường cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ dân tộc tại chỗ cho các xã vùng biên. (Xem tiếp Bài 3: Thúc đẩy giao thương, đảm bảo an ninh trật tự)
Đỗ Trưởng - Thanh Thủy - Quốc Dũng - Trịnh Nhiệm