Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI- 2021 - Giải thưởng cao quý nhất của nghề báo diễn ra tối 21/6, đúng vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Từ rất sớm, Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Hà Nội đã rộn ràng bởi sự xuất hiện của rất nhiều nhà báo. Trên mỗi gương mặt đều toát lên niềm tự hào, hân hoan khi được tham dự ngày hội tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo cả nước…
Tôn vinh 115 tác phẩm báo chí tiêu biểu
Giải Báo chí quốc gia năm 2021 tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả của 115 tác phẩm báo chí xuất sắc ở 11 loại giải. Trong đó có 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.
Theo đánh giá của Hội đồng Giải báo chí quốc gia 2021, các tác phẩm báo chí dự Giải năm nay phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2021. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Nhiều tác phẩm thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, khám phá, có sức thu hút độc giả; được thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại. Một số tác phẩm nổi trội có sự đầu tư công phu từ đề tài, nội dung đến hình thức, nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội…
Tại Giải Báo chí quốc gia năm 2021, Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giành 3 giải thưởng ở 3 hạng mục: Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh; Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) và Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in).
Đó là Giải A thể loại giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) với loạt tác phẩm 5 bài “Giải phóng” đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần cuộc cách mạng” quyết liệt hơn của nhóm tác giả Võ Hoàng Long, Hoàng Thị Phương Trang, Võ Mạnh Hùng, Vũ Thị Bích Hằng, Phạm Thanh Trà. Giải B (không có giải A) dành cho tác phẩm ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang" của tác giả Lưu Trọng Đạt và 1 giải C thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) với loạt 5 bài “Vững niềm tin con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” của nhóm tác giả Lại Thị Thanh Mai, Trần Mạnh Hùng, Bùi Anh Tuấn, Vũ Lê Hà, Đặng Thị Thu Huyền.
Bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi nhận giải A giải thưởng Báo chí Quốc gia 2021, nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ, đây cũng là lần thứ 3 anh vinh dự được nhận Giải A và là lần thứ 8 liên tiếp có loạt bài được giải báo chí danh giá này, sau hơn 10 năm gắn bó với báo điện tử VietnamPlus thuộc TTXVN.
Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ, với anh, loạt bài có chủ đề về giải phóng đất nông lâm trường được giải lần này rất ý nghĩa bởi đó là vấn đề mà hàng triệu người dân trên khắp cả nước đặc biệt quan tâm. Bản thân anh đã theo dõi, tìm hiểu trong suốt quãng thời gian 10 năm qua với những chuyến đi thực tế sâu vào các "vùng lõi nghèo" của cả nước. Anh đã ghi nhận thực trạng trong quản lý đất nông lâm trường ở nhiều địa phương, từ đó phân tích, "mổ xẻ" các mâu thuẫn, bất cập và sự bế tắc trong thực trạng này, từ đó tìm ra lời giải cho những vấn đề “cố hữu” bấy lâu nay.
Cũng nhờ "bắt" đúng "mạch" của những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất sau hơn 30 năm đổi mới, loạt 5 bài Mega Story "Giải phóng" đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần “cuộc cách mạng" quyết liệt hơn” được Ban lãnh đạo báo cho phép đăng tải trước Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách với rất nhiều giải pháp cấp bách.
Trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên báo điện tử VietnamPlus, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã đánh giá cao việc báo đã triển khai loạt bài viết rất công phu và phản ánh đúng thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đai nông lâm trường trong thời gian qua. Từ đó, ông đã đưa ra các giải pháp mạnh, căn cơ nhất cũng như đặt ra các nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới để đưa đất đai nông lâm trường vào khuôn khổ. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ làm việc với các đơn vị chuyên môn để đưa ra hướng giải quyết căn cơ, hiệu quả nhất.
Nhà báo Võ Mạnh Hùng vui mừng cho biết, hiệu lực xã hội từ loạt bài đã phần nào khẳng định được giá trị của nó và với anh, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc mà nghề nghiệp mang lại. Đó là hạnh phúc khi được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc thay đổi một chính sách nào đó, giúp người dân thoát nghèo, bớt nghèo, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chia sẻ cảm xúc vui mừng khi nhận giải C, giải thưởng Báo chí quốc gia năm 2021, nhà báo Vương Hà, đại diện nhóm tác giải loạt tác bài "Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi” của Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân cho biết: Để “đón đầu” Hội nghị Văn hóa toàn quốc, diễn ra vào ngày 24/11/2021, trước đó 2 tháng, nhóm phóng viên văn hóa Báo Quân đội nhân dân đã thảo luận, nhất trí thực hiện loạt bài “phỏng vấn bàn tròn” các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu, văn nghệ sỹ, doanh nhân… xoay quanh những vấn đề nổi cộm trong đời sống văn hóa hôm nay như nhận thức về vai trò của văn hóa; văn hóa với sự phát triển của đất nước; vị trí người dân trong công cuộc phát triển văn hóa; động lực để văn hóa phát triển; tính tiên phong, nêu gương, dẫn đường của văn hóa Đảng... Loạt 5 bài “Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi” đăng trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày từ ngày 15-19/11, trước ngày khai mạc Hội nghị (24/11) đã nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc, đồng nghiệp, trong đó có nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Nhà báo Vương Hà cho biết, chị và các đồng nghiệp rất xúc động, tự hào khi được đứng trên bục nhận giải thưởng cao quý vào đúng dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên, là động lực để chị và các đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới.
Kiên định, dũng cảm để bảo vệ chính nghĩa
Nhà báo Nguyễn Văn Thanh, đại diện nhóm tác giả đoạt giải A Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in) với loạt tác phẩm 5 bài: “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc ‘ma mị’ giữa thủ đô” của Chi hội nhà báo Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, khó có thể nói bằng lời những cảm xúc của nhóm phóng viên khi được nhận giải A Giải Báo chí quốc gia năm nay. “Được đứng trên bục vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc của giải Báo chí quốc gia đã là một vinh dự lớn lao của bất cứ nhà báo, phóng viên nào. Nhưng được nhận giải A - giải thưởng cao nhất thì niềm vui, niềm tự hào đã vỡ òa trong chúng tôi. Đó là cảm xúc mà chúng tôi lần đầu được nếm trải. Đến giờ, tôi vẫn thấy lâng lâng, thậm chí vẫn có cảm giác đó là một giấc mơ, chúng tôi thực sự xúc động và tự hào. Đây chắc chắn sẽ là một dấu mốc không thể nào quên trong suốt sự nghiệp làm báo và cả cuộc đời của tôi”, nhà báo Nguyễn Văn Thanh xúc động nói.
Nói về loạt bài đoạt giải thưởng lần này, nhà báo Nguyễn Văn Thanh cho biết, loạt bài về Câu lạc bộ Tình Người được ấp ủ và tiến hành tổ chức, điều tra nhập vai từ khoảng cuối năm 2020, khi tổ chức này vẫn rầm rộ hoạt động trên nhiều địa điểm trong cả nước, trong đó tập trung đông nhất là Thủ đô Hà Nội.
Để thâm nhập vào Câu lạc bộ, phóng viên phải trải qua nhiều bước xét duyệt, giới thiệu, tốn rất nhiều công sức tìm đầu mối để tiếp cận với “hang ổ” của câu lạc bộ, tìm “tay trong” tình báo đang nắm những vị trí quan trọng, tiếp xúc với hàng trăm nạn nhân từng ngày đấu tranh giải cứu những người u mê đang hoạt động trong câu lạc bộ… để có được những thông tin giá trị, đi sâu vào khai thác sự ma mị, dối trá của câu lạc bộ này và xây dựng loạt bài.
Nhà báo Nguyễn Văn Thanh cho hay, việc bảo vệ tuyến bài và đi đến tận cùng của sự việc là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, bởi khi những loạt bài đầu tiên được đăng tải trên báo điện tử cả Ban biên tập lẫn phóng viên đều gặp những áp lực rất lớn. Những cuộc gọi nặc danh từ số lạ, với những lời đe doạ, khủng bố liên tục. Thậm chí không ít thế lực cũng đã tác động để dừng lại tuyến bài. Thế nhưng bằng sự kiên định, dũng cảm, dám đi đến tận cùng sự việc, Ban Biên tập đã quyết định đưa tuyến bài lên báo in, chính thức “tuyên chiến” với cái xấu, cái ác cho dù chịu áp lực từ nhiều phía…
“Khi tác phẩm được dư luận và xã hội công nhận, thức tỉnh biết bao con người u mê vì Câu lạc bộ Tình Người là niềm vui và hạnh phúc của người làm báo”, nhà báo Nguyễn Văn Thanh xúc động bày tỏ.
Thể loại ảnh báo chí vẫn rất khiêm tốn
Cũng như mọi năm, thể loại ảnh báo chí vẫn rất khiêm tốn so với các thể loại giải thưởng khác. Ở mùa giải năm nay, thể loại Giải Ảnh báo chí chỉ có 4 tác phẩm được trao giải, gồm 2 giải B và 2 giải C (không có giải A).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, dù Ban tổ chức Giải Báo chí quốc gia đã có cơ chế tạo điều kiện cho các tác giả cá nhân có thể tự gửi ảnh dự thi mà không cần qua cơ quan báo chí, tuy nhiên, thể loại ảnh báo chí vẫn chưa thu hút được sự tham dự của nhiều nhà báo, cơ quan báo chí, đó là điều rất đáng tiếc.
Có mặt tại lễ trao giải, nhà báo Lưu Trọng Đạt, phóng viên TTXVN thường trú lại Hòa Bình - tác giả của bộ ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” chia sẻ, anh vô cùng hạnh phúc khi được nhận giải thưởng cao tại giải Báo chí quốc gia lần này.
Nhà báo Lưu Trọng Đạt kể, mùa khô và mùa mưa năm 2020, anh nhận thấy mực nước thượng nguồn sông Đà, trên địa phận hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị sụt giảm nghiêm trọng. Các nhánh sông chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong (huyện Đà Bắc) bị khô cạn gây thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, cá lồng bị chết hàng loạt… ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân, đặc biệt cảnh quan bị tác động nghiêm trọng. Với kinh nghiệm của một phóng viên ảnh nhiều năm quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, nhà báo Lưu Trọng Đạt nhận thấy đây là đề tài lớn, cần phản ánh, tuyên truyền để đưa ra những thông điệp cảnh báo kịp thời. Anh báo cáo lãnh đạo và lên kế hoạch, đề cương chi tiết cho một phóng sự ảnh về thực trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng của sông Đà và những hệ lụy của biến đổi khí hậu; sự tác động đến sinh kế, môi trường sống tự nhiên khu vực lòng hồ Hòa Bình.
Từ tháng 6 đến tháng 11/2021, nhà báo Lưu Trọng Đạt đã có rất nhiều chuyến công tác về những vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn cao dọc sông Đà, ghi lại những hình ảnh về tình trạng khô hạn, nắng nóng khiến nhiều nhánh sông Đà bị khô cạn trơ đáy, nứt nẻ, hay hình ảnh những người dân thất thần, bất lực khi hàng chục tấn cá lồng nuôi bị chết do nắng nóng và thiếu nước…
Nhà báo Lưu Trọng Đạt tâm sự, anh thực hiện bộ phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” với mong muốn gửi tới cộng đồng thông điệp về một dòng sông Đà nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung đang bị cạn kiệt sức sống bởi biến đổi khí hậu; sự tác động quá mức của con người, qua đó kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn và bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Bộ ảnh được trao giải thưởng Báo chí quốc gia là sự ghi nhận của Ban Tổ chức Giải với tác phẩm báo chí mà anh đã thực hiện. Đây là niềm vui và động lực để anh gắn bó với nghề, tiếp tục tìm tòi và sáng tạo những tác phẩm báo chí có giá trị sau này.
Có thể thấy, mỗi câu chuyện mà các nhà báo chia sẻ đều cho thấy sự vất vả, dấn thân, sự đương đầu với những khó khăn, thử thách trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo để có được sản phẩm báo chí chất lượng, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự phát triển của xã hội, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phương Lan