Ngày 26/2, Ban tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 đã tổ chức Lễ tế trời đất trên đỉnh núi Ngũ Nhạc. Đây là nghi lễ cổ truyền đặc sắc riêng có, đặc trưng của Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc với ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Đoàn tế đi từ nghi môn Ngũ Nhạc lên Trung Nhạc miếu. Dẫn đầu đoàn là đội lân, bát âm, chiêng trống và chủ tế là lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng nhân dân, phật tử thập phương. Tại Trung Nhạc miếu, các nhà sư thực hiện các nghi lễ cúng tế. Chủ tế là lãnh đạo tỉnh Hải Dương và nhân dân tham dự đã dâng hương, dâng sớ cầu xin trời đất phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Kết thúc lễ tế, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã phát ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân tham dự buổi lễ. Theo Ban tổ chức, ngũ cốc dâng lễ ứng với ngũ hành gồm: thóc (hành thổ), ngô (hành kim), đậu (hành hỏa), lạc (hành mộc), vừng (hành thủy). Ngũ cốc dâng lễ là năm loài tinh túy nhất do trời đất sinh ra nuôi sống con người và vạn vật.
Theo quan niệm của người xưa, Ngũ Nhạc là mạch núi thiêng ở Côn Sơn. Đây là vùng đất phúc, nơi ngự của Phật, Thánh và các vị thần cai quản việc cát, hung, họa, phúc của muôn loài. Ngũ Nhạc gồm 5 ngọn núi thiêng tượng trưng cho 5 phương tương ứng với các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bởi vậy, trên mỗi đỉnh núi đều có một nơi thờ các vị thần của tự nhiên: Đông Nhạc Thiên Tề Đại Vương Nhân Thánh Đế Quân ở phương Đông, Kim Thiên Thuận Thánh Đế Quân ở phương Tây, Ty Thiên Chiêu Thánh Đế Quân ở phương Nam, An Thiên Nguyên Thánh Đế Quân ở phương Bắc và Trung Thiên Sùng Thánh Đế Quân ở Trung tâm.
Lệ xưa, mỗi khi đất nước có ngoại xâm, giặc dã, bệnh dịch, hạn hán mất mùa… triều đình cử các quan về Ngũ Nhạc tế lễ trời đất cầu cho quốc thái dân an. Các triều đại mỗi khi vua đăng cơ lên ngôi đều về Ngũ Nhạc lễ trình kính cáo trời đất.
Ở thế kỷ XIV, quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn, tu bổ chùa, lập đàn Tinh Đẩu trên Ngũ Nhạc tế lễ trời đất cầu cho vương triều trường tồn, quốc gia cường thịnh.
Xưa kia, Lễ tế do dân làng An Mô (xã Lê Lợi, Chí Linh) thực hiện. Theo thời gian, nghi lễ bị thất truyền. Năm 2008, theo Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu và phục dựng hoàn chỉnh nghi lễ để đưa vào chương trình Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hàng năm.
Năm 2012, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ tế hàng năm đều thu hút đông nhân dân trong, ngoài tỉnh Hải Dương tham dự đã khẳng định những nỗ lực của địa phương trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của nghi lễ độc đáo này cũng như của các giá trị di sản văn hóa dân tộc, đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Mạnh Tú