Lễ khai ấn đền Kiếp Bạc

Lễ khai ấn đền Kiếp Bạc

Tối 30/9, tại đền Kiếp Bạc, Ban tổ chức lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ khai ấn đền Kiếp Bạc.

Lễ khai ấn đền Kiếp Bạc ảnh 1Cung tuyên văn tế Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo . Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Vào thế kỷ XIII, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân và dân nhà Trần đã 3 lần đập tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược. Tên tuổi của Trần Hưng Đạo gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang… và mãi là niềm tự hào của dân tộc. Không chỉ được biết đến là một nhà thiên tài quân sự, Trần Hưng Đạo còn soạn 2 bộ sách “Binh Thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc. Tiêu biểu trong số đó là "Hịch tướng sĩ" đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng nghìn tướng sĩ. Dưới trướng của Trần Hưng Đạo quy tụ được nhiều tướng tài phò vua giúp nước, trong đó có những anh hùng như: Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng…

Với công lao to lớn đó, Trần Hưng Đạo đã được các vua Trần phong tước vị Hưng Đạo Đại Vương và lập đền thờ khi ngài còn sống tại Vạn Kiếp gọi là “Sinh từ”. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Đại Vương, gọi là “Sinh bi”.

Vì có tài đức phi thường và công lao vĩ đại, nhân dân tôn vinh Trần Hưng Đạo là Đức Thánh, Đức phật, “Cửu Thiên Vũ Đế” từ trên trời xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ yêu ma, giặc giã. Đền Kiếp Bạc là nơi thờ Trần Hưng Đạo, là tôn miếu linh thiêng.

Lễ khai ấn đền Kiếp Bạc ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết “Mỗi khi trong nước có đại sự, triều đình đến làm lễ cầu đảo; các tướng tá, vương công mỗi khi có việc chinh chiến cũng đến bái yết rồi mới xuất quân…”. Bởi vậy, mỗi dịp giỗ Trần Hưng Đạo (dân gian vẫn có câu Tháng Tám giỗ Cha”, hoặc mỗi khi có việc lớn, người dân lại thành tâm về Kiếp Bạc làm lễ và xin phù ấn của Đức Thánh để cầu được phù hộ.


Đền Kiếp Bạc hiện còn lưu giữ 4 phù ấn của Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương, gồm: "Trần Triều Hưng Đạo Vương Chi Ấn” (Ấn của Hưng Đạo vương triều Trần); “Quốc Pháp Đại Vương” (Ấn phù của Quốc Pháp Đại Vương); “Vạn Dược Linh Phù” (Phù ấn linh thiêng của đền Vạn Dược); “Phi Thiên Thần Kiếm Linh Phù” (Phù ấn linh thiêng của Phi Thiên Thần Kiếm”.

Thông thường, du khách thập phương xin tấm lụa vàng có in cả 4 phù ấn của đền về treo trong nhà hoặc mang theo bên mình để cầu trấn trạch kỳ an, phúc, lộc, thọ và vạn sự tốt lành.

Lễ khai ấn đền Kiếp Bạc ảnh 3Hoạt cảnh “Hùng khí Lục Đầu Giang” tại lễ khai hội. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Bộ phù ấn đền Kiếp Bạc là những bảo vật quý hiếm, gắn liền với sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu nước; đồng thời thể hiện khát vọng được sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân đã được lưu truyền hơn 700 năm qua ở lễ hội mùa Thu tại đền Kiếp Bạc.

Tại lễ hội năm nay, Ban Tổ chức đã chuẩn bị khoảng 5 vạn ấn để phát cho nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội.

Mạnh Tú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm