Vũ điệu xoang mê say theo nhịp cồng chiêng |
Tham dự lễ hội lần này có hơn 600 nghệ nhân trẻ có tuổi đời từ 18 - 30 người dân tộc thiểu số bản địa Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh và 11 đội cồng chiêng của 11 xã thuộc huyện Đức Trọng. Hướng đến đối tượng là những người trẻ tuổi, Lễ hội Văn hóa cồng chiêng lần thứ X nhằm khơi dậy trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc kế tục, gìn giữ di sản văn hóa cha ông để lại.
7 hoạt động chính sẽ diễn ra trong lễ hội gồm: Diễu hành xe cổ động, Lễ dâng hương và xin lửa, Đêm hội khai mạc, Lễ hội Xên Mường dân tộc Thái, Thi diễn tấu cồng chiêng, Tham quan danh lam thắng cảnh, Đêm hội Đại đoàn kết (bế mạc). Đáng chú ý là Hội Xên Mường (một lễ hội của đồng bào Thái di cư từ miền núi phía Bắc vào Đức Trọng) được lồng ghép vào lễ hội sẽ là một nét đẹp của sự hòa quyện giữa múa xòe Tây Bắc và múa xoang Tây Nguyên mang ý nghĩa lớn về đoàn kết gắn bó của các dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Lâm Đồng.
Lễ hội Văn hóa cồng chiêng lần này là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đồng thời, khẳng định vai trò của văn hóa cồng chiêng trong đời sống đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Báo Lâm Đồng