Lễ hội Rước nước thực hiện theo nghi lễ cổ truyền, mang tính chất tôn vinh Phật tổ với hình thức thực hiện lễ Mục Dục (tắm gội cho Phật) và tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải – Mẹ Nước. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN |
Lễ hội “Rước nước” được thực hiện theo nghi lễ cổ truyền, mang tính chất tôn vinh Phật tổ với hình thức thực hiện lễ Mục Dục (tắm gội cho Phật) và tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải - Mẹ Nước. Ngay từ sáng sớm, đoàn rước nước gồm các bậc bô lão, nam thanh nữ tú là người dân địa phương, mặc trang phục nghi lễ cổ truyền, các tăng ni, phật tử cùng đoàn rước kiệu khởi hành, tiến về phía sông Mã làm nghi thức “lấy nước” dưới sông Mã. Dưới sông có 3 chiếc thuyền chở lọng vàng, cờ quạt và đoàn tế lễ mang theo các bình sứ, chum, chóe để đựng nước, thuyền còn lại sẽ chở phường bát âm hát, múa phục vụ nghi lễ lấy nước. Đoàn thuyền sẽ tiến ra Vụng Quần Tiên giữa dòng sông Mã (cách bến khoảng 1,5km) - nơi có mạch nước sạch, tinh khiết nhất để lấy nước về dâng lên Phật, Mẫu. Dọc hai bên bờ sông Mã, hàng nghìn người dân đã tập trung về đây để chứng kiến nghi lễ "lấy nước" và "rước nước" độc đáo nhất trong năm này.
Thực hiện nghi lễ "Lấy nước". Ảnh: Hoa Mai – TTXVN |
Theo quan niệm của nhà Phật,“nước là sự sống, là mạch nguồn của mọi vật cho nên nước tượng trưng cho người mẹ”, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cũng xuất phát trên quan điểm đó, để hướng mọi người luôn nhớ tới cội nguồn của mình. Lễ hội “Rước nước” nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, nhớ công ơn cha mẹ sinh thành...
Người dân đứng kín bờ sông Mã để chứng kiến nghi lễ "Lấy nước" và "Rước nước". Ảnh: Hoa Mai – TTXVN |
Trước đó, tối 1/4 (tức ngày 27 tháng 2 âm lịch), người dân và du khách đã tập trung tại bến đò Hoành để thả đèn hoa đăng và nghe hát đối đáp trên những chiếc thuyền lướt dòng sông Mã. Các ngày diễn ra lễ hội có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đẩy gậy, kéo co, cờ người, bài đếm...
Cụ Nguyễn Văn An, làng Bồng Thượng cho biết: Nhiều đời nay người dân vẫn duy trì được tục lệ này bởi trong tâm thức của chúng tôi, nghi thức lấy nước diễn ra thuận lợi thì cả năm dân làng sẽ gặp nhiều may mắn.
Đoàn thuyền sẽ tiến ra vụng Quần Tiên giữa dòng sông Mã (cách bến khoảng 1,5km) để lấy nước về dâng lên Phật, Mẫu. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN |
Ông Lê Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc khẳng định: Công tác đảm bảo an toàn khi thực hiện các nghi thức “lấy nước” trên sông Mã luôn được chính quyền địa phương chú trọng. Đặc biệt là tuân thủ quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa để đảm bảo an toàn khi thực hiện việc lấy nước cũng như các nghi lễ.
Nước được đựng trong các chum, choé, bình sứ đang được mang từ thuyền lên bờ để dâng lên Phật, Mẫu. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Làng Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở xứ Thanh với ba di tích được xếp hạng quốc gia gồm Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái; 3 di tích cấp tỉnh gồm đền thờ Quận công Hoàng Đình Phùng, đền thờ Đường công Lê Quang Lộc và chùa Báo Ân.
Lễ hội “Rước nước” làng Bồng Thượng diễn ra trong từ 1-3/4 (tức từ ngày 27-30/2 âm lịch).
Hoa Mai