Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Nam Bộ

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Nam Bộ

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được gìn giữ và thực hành qua nhiều thế hệ tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng sông nước Tây Nam bộ, góp phần gắn kết với đời sống tinh thần, lưu giữ những giá trị lịch sử của các thế hệ tiền nhân trong tiến trình “khai phá” vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Nam Bộ ảnh 1Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ ở dưới chân núi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Mang đậm dấu ấn thời “mở cõi”

Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan cho biết, trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác.

Theo truyền thuyết, từ xa xưa, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển được tượng.

Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn, thì được mách “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Nam Bộ ảnh 2Nghi thức thỉnh Bà Chúa Xứ núi Sam nhập miếu. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Tượng Bà cao khoảng 1,65m, theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Chất liệu tượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, có thể được tạc vào cuối thế kỷ VI sau Công nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn là còn là điều bí ẩn.

Ban đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.

Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu. Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Nam Bộ ảnh 3 Đông đảo người dân và du khách tham gia lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ ở dưới chân núi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Theo Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc dân Việt Nam một cách độc đáo. Bên cạnh đó, các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng dân gian tại Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam còn hướng tới một nhân vật huyền thoại là danh tướng Thoại Ngọc Hầu - những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm và được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc…Đây cũng là dịp để người dân thể hiện tâm thức “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân, tôn kính đối với Bà và các bậc tiền nhân. Theo thời gian, việc tôn thờ, đi viếng Bà không chỉ có người dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, vùng Tây Nam Bộ, mà ở người dân khắp mọi miền đất nước.

Lễ hội của cộng đồng dân cư

Những ngày này, dòng người vẫn nối đuôi nhau đổ về thành phố Châu Đốc (An Giang) tham dự Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Năm nay, lễ hội trùng vào dịp cuối tuần, nên lượng du khách đến thành phố Châu Đốc như đông hơn.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Nam Bộ ảnh 4Đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Giữa dòng xe nối đuôi nhau về khu vực Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc), anh Phan Thanh Tuấn (ngụ ở Thành phố Hồ Chí Minh) vui vẻ cho biết: “Lễ hội Vía Bà năm nào gia đình tôi cũng đi, chỉ riêng năm 2020 và 2021 do dịch COVID-19 là không đi được. Năm nay, biết lễ hội được tổ chức bình thường trở lại, gia đình tôi đến Châu Đốc từ chiều thứ Bảy, đi tham quan thành phố, rồi ở lại tham gia Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ núi Sam và cúng Bà, cầu mong một năm thật nhiều may mắn, bình an”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được gìn giữ qua nhiều thế hệ, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Mỗi năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức như thông lệ, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ vẫn theo nghi thức truyền thống, nhưng nội dung và hình thức được đầu tư nâng chất theo hướng tạo điều kiện để du khách, người dân cùng tham gia, để lễ hội dần trở về với tính cộng đồng, như: Chương trình may áo Bà, lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu bà, lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà...

Phần hội có lễ khai hội, được tổ chức vào đêm trước lễ tắm Bà. Chương trình sinh động với nhiều tiết mục, như sân khấu hóa dựng lại hình ảnh thời mở đất, chiến đấu với giặc ngoại xâm và sự xuất hiện của Bà Chúa Xứ. UBND thành phố Châu Đốc còn tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, triển lãm ảnh nghệ thuật; tuần lễ văn hóa-văn nghệ 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa...

Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, tại sân khấu Chánh điện miếu Bà, đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh An Giang đã cùng nhau may thủ công bằng tay 96 chiếc áo dâng lên Bà Chúa Xứ (nguyên nhung Thánh Mẫu núi Sam).

Cùng với đó, các doanh nghiệp và người dân tổ chức gói và nấu 2 đòn bánh tét để dâng cúng Bà Chúa Xứ núi Sam. Mỗi đòn bánh tét dài 3,6m, đường kính 0,8m, nặng trên 1,5 tấn.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc, thành phố đang triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp Quốc gia khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam. Đồng thời, mở rộng khu vực sân lễ, bãi đậu xe và hệ thống điện chiếu sáng ngoài trời... (chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích cấp quốc gia núi Sam, phục vụ việc quản lý, vệ sinh môi trường, bảo vệ khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; phục vụ phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công Mạo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm