Lẩu then – thước đo tín nhiệm của thầy then

Lẩu then – thước đo tín nhiệm của thầy then

Với đồng bào Tày ở tỉnh Lạng Sơn, các thầy then là những người có uy tín trong cộng đồng. Thầy then là người am hiểu phong tục, có thể thực hiện tất cả những nghi lễ tâm linh truyền thống, từ ma chay, cưới hỏi đến mừng thọ… Và trong nghề làm then, người ta cũng chia ra nhiều cấp bậc. Thầy then nào có cấp bậc càng cao thì càng có nhiều quyền năng cũng như uy tín. Sau một thời gian hành nghề, các thầy then sẽ tổ chức một cuộc đại lễ, để lên bậc. 

 

Người Tày có câu nói “3 năm làm một kì lẩu”, tức là thông thường, cứ 3 năm, các thầy then có thể làm lẩu then để thăng cấp. Tuy nhiên, đây không phải kì hạn được ấn định. Việc có được làm lễ lẩu hay không còn phụ thuộc vào uy tín của thầy then đó với cộng đồng. 

Bà Triệu Thủy Tiên, nguyên trưởng đoàn nghệ thuật Lạng Sơn, cho biết:

- Mỗi một lần sang cấp thì lệ thuộc vào vai trò của thầy then đấy, uy tín với cộng đồng. Người có lộc thì mới có đủ điều kiện làm lẩu then. Nó là một nghi lễ để nhà then khẳng định đẳng cấp của mình, vừa là khẳng định sự mẫu mực của mình đã tuân thủ quy định của nhà then để có được  kết quả đấy. Người được phép làm lẩu đã có đẳng cấp nhất định, không chỉ là uy tín trong việc đi làm lễ mà còn là uy tín trong các nhà then nữa.

 

Sau 3 năm, có những người có nhiều lễ đi chuộc vong, có một số dòng then người ta sẽ đếm số cây đũa cắm vào quả trứng trên quan tài người chết, đếm được nhiều thì có thể được phép làm lẩu then. Còn kể cả 3 năm không đi làm chuộc hồn bao giờ thì với một số dòng then, người ta không cho phép thăng chức, vì anh không có uy tín trong cộng đồng. Còn anh làm được nhiều mà anh đi cầu được nhiều thì anh được phép làm lẩu - anh Hoàng Văn Bình, chuyên viên Trung tâm văn hóa Lạng Sơn giải thích.

                                26b867b32bd71276262b2525858b319b.jpg

                                                          Nghi lễ cấp sắc cho bà then. Ảnh:dantri.com

Theo lời anh Hoàng Văn Bình, trước mỗi cuộc làm lẩu then, thầy then phải kiêng cữ nhiều điều, giữ cho bản thân sạch sẽ trong ít nhất là 21 ngày. Có một số dòng then, thầy then còn phải đội thúng đi xin gạo để nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng. Đây cũng là một hình thức để đánh giá mức độ tín nhiệm của bà con với thầy then:

 

- Để thực hiện nghi lễ lẩu then, người ta phải ăn chay, niệm Phật.  Người ta sẽ nhốt mình vào một chỗ mà khi ăn, thì chỉ có những người sạch sẽ, có một số dòng then chỉ có nam thanh, một số dòng chỉ có những bà góa chồng phục vụ con then đấy. Một bữa họ chỉ ăn một bát cơm thôi. Mà bát cơm đấy lúc mở ra người ta phải xúc ra 2 thìa để cho những người phục vụ ăn trước, sau đó mới được ăn. Nếu có vợ chồng, người ta tránh. Thứ hai là không đi xa, kể cả đi vệ sinh cũng phải có người đi theo. Kiêng như thế để thứ nhất là bảo toàn tính mạng và sự yên ổn cho người làm then vì anh đã được dòng họ chọn ra để cứu nhân độ thế rồi. Anh sẽ đi khắp làng vác thúng đi xin khất thực. Nếu anh làm tốt việc này thì tức là cộng đồng đã tin tưởng anh, và sau này anh sẽ được cộng đồng tín nhiệm.

Người Tày quan niệm qua mỗi lần lên bậc, các thầy then còn được cấp thêm nhiều binh tướng, có nghĩa là sẽ có thêm nhiều quyền lực từ các thế lực siêu nhiên, để thực hiện các đại lễ lớn. Vì vậy, mọi thầy then Tày đều cố gắng giữ cho mình phong thái chỉn chu và nhiệt tình giúp đỡ bà con thực hiện nghi lễ trong đời sống hàng ngày. 

Một lễ lẩu then thông thường diễn ra trong 3 ngày 2 đêm. Ngoài nghi lễ nâng bậc, các bà then còn kết hợp làm các lễ như “nối số”, cầu cho mọi người khỏe mạnh, sống lâu hoặc giải hạn. Vì vậy, dù gia chủ không mời khách nhưng vẫn có rất nhiều bà con đến tham gia lễ lẩu. Trong quá trình làm các nghi thức, thầy then phải đánh đàn tính, xóc nhạc, hát các bài then tượng trưng cho việc hành quân qua nhiều cung cửa, cầu xin nhiều vị thần, thánh. Lời then cất lên trau chuốt, chứa đựng tâm nguyện và giáo lí của dân tộc Tày. 

Bà Triệu Thủy Tiên nhận xét:

- Then là những khúc hát mang ý nghĩa, thật ra là trong đấy người ta gửi gắm tâm nguyện của người ta. Những lời hay ý đẹp không chỉ có giá trị giáo dục, răn dạy mà nó còn có giá trị văn học, nghệ thuật rất cao. Ngay kể cả trong đối đáp người ta cũng dùng lời lẽ rất đẹp, trau chuốt để hát về điều đấy. Lời đối đáp không theo niêm luật là 7 chữ hay 5 chữ mà nó vẫn thành những khúc ứng đối rất là khéo léo của nghệ nhân hát then với quần chúng hay là những con then. Nó là những lời răn dạy rất đàng hoàng. Khi tàn cuộc, người ta có bài hát gọi là tiễn khách, vừa là đối thoại mà vừa là lời cảm ơn những người đã giúp mình làm lễ suôn sẻ.

 

Có thể nói, lẩu then chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật của dân tộc Tày.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm