Lào Cai quản lý chặt hoạt động trồng cây dược liệu dưới tán rừng trồng

Lào Cai quản lý chặt hoạt động trồng cây dược liệu dưới tán rừng trồng
Tại văn bản mới được ban hành về việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019-2020, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quản lý chặt chẽ hoạt động trồng cây dược liệu dưới tán rừng trồng, đặc biệt là trồng cây sa nhân tím.
Hiện thời tiết mùa khô năm 2019 - 2020 tại Lào Cai tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Hiện tượng băng giá, mưa tuyết đã xảy ra cục bộ tại một số địa phương. Tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài làm cho thảm thực bì khô, nỏ, gia tăng vật liệu cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, nhất là các khu vực rừng đặc dụng Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bát Xát.

Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả, giảm thiểu số vụ, diện tích và tài nguyên rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm 2019 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quản lý chặt chẽ hoạt động trồng cây dược liệu dưới tán rừng trồng, đặc biệt là trồng cây sa nhân tím.

Bên cạnh đó, tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện trồng cây sa nhân dưới tán rừng trồng theo đúng quy định; kiên quyết phá bỏ diện tích cây sa nhân trồng dưới tán rừng tự nhiên, xử lý nghiêm đối tượng phát luỗng rừng tự nhiên trái phép để trồng cây sa nhân, trồng cây quế và các loài cây khác.

Cùng đó, tăng cường quản lý, hướng dẫn việc phát đốt nương, đốt bãi chăn thả gia súc, đốt xử lý thực bì an toàn, có kiểm soát; khi dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V phải ban hành quy định nghiêm cấm việc đốt nương, đốt đồng cỏ, bãi chăn thả gia súc, đốt xử lý thực bì trong rừng, ven rừng theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đơn vị chủ rừng, ngành chức năng có liên quan với kết quả công tác bảo vệ rừng  phòng cháy, chữ cháy rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Các địa phương phải kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ đội xung kích, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng các cấp; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm công tác này đối với chính quyền cơ sở, đơn vị chủ rừng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến, tàng trữ lâm sản, săn, bẫy, bắt động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn, chú trọng các khu rừng đặc dụng, vùng giáp ranh, khu rừng tự nhiên, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Tỉnh Lào Cai yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy phối hợp với cơ quan Kiểm lâm tổ chức thẩm định Phương án phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng; huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng phòng chống cháy rừng ở cơ sở; kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng của các địa phương, đơn vị chủ rừng...

Các chủ rừng là tổ chức tăng cường chòi canh, chốt gác tại các khu rừng xung yếu, bố trí bổ sung lực lượng thường trực trong thời gian cao điểm về cháy rừng, dịp nghỉ lễ, tết để kiểm soát người ra vào rừng, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phát hiện sớm đám cháy, kịp thời tổ chức lực lượng ứng cứu, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Thời gian qua, các ngành, địa phương, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đã đạt kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch; số vụ vi phạm pháp luật giảm, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; các vụ cháy rừng đều được phát hiện, tổ chức chữa cháy kịp thời nên đã giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Hương Thu
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm