Người dân ở bản Hồ thuộc Sa Pa (Lào Cai) sinh sống bên bờ suối, tiềm ẩn nguy cơ bị lũ quét cần được di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Hương Thu - TTXVN |
Đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị lũ
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước và trong mùa mưa lũ, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét để di chuyển dân. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 13 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Văn Bàn, thành phố Lào Cai.
Tháng 8/2016, sau những trận mưa lớn, cơn lũ quét xuất hiện cuốn phăng nhà ở, sạt lở đất chôn vùi tài sản, ruộng vườn của 19 hộ người Dao ở thôn Sùng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đau xót hơn, cơn lũ dữ đã cướp đi sinh mạng của ba người ở thôn Sùng Hoảng 2. Huyện Bát Xát đã quyết định di chuyển toàn bộ dân thôn Sùng Hoảng 2 lập thôn mới trên mỏm đồi Van Hồ, nơi bảo đảm an toàn địa chất và thuận tiện giao thông phát triển sản xuất. Tỉnh cấp kinh phí san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng điện, nước, giao thông, hỗ trợ đồng bào định cư ở nơi mới. Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà ở; các tổ chức xã hội quyên góp ủng hộ 30 hộ mất trắng tài sản gần 500 triệu đồng cùng nhiều vật dụng sinh hoạt. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai khoanh giãn nợ, đồng thời cho mỗi hộ vay mới 25 triệu đồng với lãi suất rất thấp, trả chậm trong vòng 10 năm để khôi phục, phát triển sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời và nỗ lực vượt khó của đồng bào, đến nay thôn mới Van Hồ đã khởi sắc với 35 hộ định cư, 100% số nhà được xây kiên cố thay cho nhà sàn gỗ trước đây.
Chỉ vào cây cầu bê-tông cốt thép lớn bắc qua dòng suối sâu, nối thôn mới Van Hồ với trung tâm xã Phìn Ngan, ông Chảo Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan hồ hởi: “Chưa bao giờ ở đây có cầu cứng bằng bê-tông cốt thép. Nhiều đời rồi, người dân chỉ có cầu treo, muốn bán nông sản phải thồ từng bao tải. Bây giờ, người dân có thể ngồi trên xe máy đi đến trung tâm xã hoặc dùng ô tô chở ngô, sa nhân tím ra chợ huyện bán dễ dàng lại được giá hơn"
Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan, bà Chảo Mùi Phẩy chia sẻ: Để xây dựng lại 35 căn nhà cho người Dao vùng bị lũ quét, xã huy động nhân lực của các thôn khác đến đổi công giúp vận chuyển vật liệu, xây nhà, lợp mái. Sau khi ổn định chỗ ở, xã tiếp tục giúp người dân giống, phân bón, kỹ thuật khuyến nông để khôi phục sản xuất. Xã định hướng mở ruộng bậc thang, phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng để vừa có lương thực trước mắt, vừa có nguồn thu ổn định lâu dài.
Ghi nhận của phóng viên, tại các dự án di dân tập trung ở các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Văn Bàn, thành phố Lào Cai… cuộc sống vật chất, tinh thần các hộ dân cơ bản được cải thiện, góp phần giảm nghèo, người dân có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế – văn hóa, giao lưu thương mại, đời sống văn hóa vật chất tinh thần và trình độ dân trí được nâng lên đã góp phần giảm tỷ lệ du canh, du cư và di cư tự do. Các hộ dân được tiếp cận với những dịch vụ xã hội cần thiết, được chăm sóc y tế, trẻ em được đến trường. Họ còn được thụ hưởng các công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là có đủ đất để sản xuất.
Nhiều khó khăn, bất cập
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, qua rà soát cho thấy hiện Lào Cai có 145 điểm có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Năm 2019, Lào Cai rà soát có 276 hộ dân phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến nay tỉnh đã di chuyển và bố trí chỗ ở cho 100 hộ.
Để chủ động trong việc bố trí di chuyển các hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm đến nơi an toàn, Lào Cai đã phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án Quy hoạch tổng thể bố trí sắp xếp dân cư giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2025 và giao các Sở, ngành liên quan thực hiện. Trong đó, năm 2019 thực hiện 4 dự án sắp xếp dân cư tập trung 138 hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm tập trung tại các xã Lùng Khấu Nhin, (Mường Khương), Cam Cọn (Bảo Yên), Trung Chải (Sa Pa), Thái Niên (Bảo Thắng). Kinh phí đã giải ngân những dự án này là 42,2 tỉ đồng. Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện tích cực vận động, tuyên truyền về sự nguy hiểm của thiên tai và cách phòng tránh. Với những hộ chưa thể di chuyển do không có quỹ đất hoặc không đủ điều kiện kinh tế khi xảy ra mưa lũ sẽ di chuyển tạm thời tới nơi an toàn, đợi hết nguy hiểm mới quay trở lại.
Tuy vậy, công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, quỹ đất xây dựng các điểm dân cư vào vùng quy hoạch rất hạn chế, do đó việc bố trí, sắp xếp thành điểm dân cư tập trung đảm bảo các yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, đất xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu sau di dân gặp rất nhiều trở ngại.
Nguồn lực bố trí cho chương trình bố trí dân cư hàng năm là nguồn vốn trung hạn, dẫn đến nhiều dự án chưa được đầu tư đồng bộ, hoặc đầu tư chậm các công trình thiết yếu, điện, nước sạch… đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Người dân có thói quen sinh sống gần khu vực sông, suối và trên các sườn đồi núi, nhận thức của một số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự cố gắng vượt khó vươn lên. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động tới người dân nên nhiều hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai vẫn thờ ơ và chưa nhận thấy mức độ nguy hiểm khi xảy ra thiên tai. Cùng với đó, định mức hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển thấp (20 triệu đồng/hộ; 50 triệu đồng/hộ biên giới) trong khi các hộ dân đa số là hộ nghèo, vì vậy việc xây dựng nhà ở và công trình phụ trợ nơi ở mới thiếu đồng bộ.
Lũ quét, sạt lở đất là dạng thiên tai điển hình gây thiệt hại lớn cho Lào Cai, làm thất thoát từ 5-10% GDP của tỉnh/năm. Để từng bước khắc phục những hạn chế về nguồn lực, kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai nói chung và di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở nói riêng, mới đây UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 140 tỉ đồng cho 3 dự án cấp bách phục vụ công tác phòng chống thiên tai tại địa phương này. Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị hỗ trợ kinh phí 20 tỉ đồng để xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư (dài 200m) ngăn chặn sạt lở đất tại đường Thái Quang, huyện Văn Bàn; 70 tỉ đồng để xây dựng kè bảo vệ khu dân cư (dài 4km) tại 5 thôn của xã Dương Quỳ huyện Văn Bàn; 50 tỉ đồng để thực hiện dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Na Lung, Bản Chiềng 2, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên...
Hương Thu
TTXVN