Lào Cai khuyến khích trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội

Lào Cai khuyến khích trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Lào Cai vừa công bố kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) năm 2019. Điểm mới và khác biệt của chỉ số DDCI của Lào Cai là hướng tới nâng cao nhận thức và mối quan tâm về những vấn đề như: bình đẳng giới, kinh doanh với phụ nữ, doanh nhân nữ, các vấn đề về môi trường, sinh thái trong quá trình phát triển, người dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế... Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI Lào Cai khuyến khích các hoạt động điều hành kinh tế tại địa phương quan tâm đúng mức và có hành động cụ thể để đảm bảo hài hòa các vấn đề về bình đẳng giới, xã hội, môi trường.

Vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số còn khiêm tốn

Ngay từ khi còn nhỏ, chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Tả Chải (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã biết đến bài thuốc tắm quý của cộng đồng người Dao đỏ do đời trước truyền dạy. Theo chị Mẩy, trước đây, bài thuốc này chỉ được sử dụng trong gia đình mỗi khi có người bị mỏi mệt, đau nhức xương khớp hay phụ nữ sau sinh muốn hồi phục sức khỏe nhanh. Khi du lịch địa phương phát triển, phương thuốc bí truyền này được nhiều người biết đến và muốn được trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc.

Lào Cai khuyến khích trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1Chị Tẩn Tả Mẩy giới thiệu sản phẩm với khách. Ảnh: laocai.gov.vn

Trước sự tư vấn, hỗ trợ của chính quyền và sự đồng lòng của các thành viên, ngày 18/5/2015, Hợp tác xã cộng đồng Dao Đỏ thành lập với 7 phụ nữ dân tộc Dao đỏ do chị Tẩn Tả Mẩy làm Giám đốc, vốn ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Sản phẩm lúc đầu chỉ là dịch vụ ngâm tắm và thuốc tắm nước, sau hơn 4 năm hoạt động Hợp tác xã đã đạt được những thành công nhất định. Đến nay, Hợp tác xã đã có thêm một số sản phẩm mới như: thuốc tắm khô, tinh dầu, dịch vụ ngâm chân, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống; thị trường được mở rộng đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ hiện thu hút hàng trăm lao động vừa làm việc thường xuyên, vừa liên kết với Hợp tác xã, thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng.

Chị Mẩy chia sẻ: "Tôi muốn chị em có việc làm, có thêm thu nhập, nhờ đó có tiếng nói trong gia đình và xã hội để nâng cao nhận thức và vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số người Dao đỏ nói riêng”. Hiện Hợp tác xã đã liên kết với 209 hộ trồng ngải cứu và chù dù trên diện tích 88 ha tại xã Bản Khoang (Sa Pa); có 120 lao động thời vụ, trong đó có 115 phụ nữ Dao đỏ, 5 phụ nữ Mông tại xã Tả Phìn (Sa Pa); ký kết khai thác, bảo vệ loài thuốc quý với Ban Quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên. Hợp tác xã do chị Tẩn Tả Mẩy đứng đầu trong số 34,5% doanh nghiệp do nữ giới làm chủ doanh nghiệp tại Lào Cai theo khảo sát DDCI 2019, trong khi tỷ lệ nam giới làm chủ doanh nghiệp là 65,5%.

Kết quả khảo sát DDCI cũng chỉ ra rằng, trong số các doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ giới làm chủ ở Lào Cai có 38% được điều hành bởi phụ nữ dân tộc thiểu số, tỷ lệ này còn khiêm tốn so với nam giới. Các lĩnh vực phụ nữ Lào Cai làm chủ doanh nghiệp khá hạn hẹp, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại dịch vụ với 83%, còn lại là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với 8,7%.

Bên cạnh đó, đối với các hộ kinh doanh, sự phân bổ theo giới cũng có khác biệt giữa các địa bàn. Thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát là những địa phương có tỷ lệ nữ giới tham gia sản xuất kinh doanh, làm chủ hộ nhiều nhất tỉnh Lào Cai. Các địa phương như Văn Bàn, Si Ma Cai - địa phương vùng cao, hẻo lánh và có tỷ lệ hộ nghèo cao tại Lào Cai là nơi có tỷ lệ nữ giới làm chủ hộ kinh doanh thấp nhất (dưới 30% tổng số hộ). Ngoài ra, gần 9,8% hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ là người dân tộc thiểu số, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là khoảng 21,5%. Trung bình cứ 10 hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ ở Lào Cai có một chủ hộ là người dân tộc thiểu số; trong khi ở hộ kinh doanh do nam giới làm chủ là hai. Những kết quả này cho thấy, phụ nữ là người dân tộc thiểu số ở Lào Cai cần được tạo những cơ hội hơn nữa để đạt được những điều kiện làm chủ cơ sở kinh doanh như nam giới.

Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Tuy còn có những hạn chế nhưng các nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương tại Lào Cai đã và đang được doanh nghiệp, hộ kinh doanh ghi nhận. Hầu hết chủ hộ kinh doanh tham gia khảo sát đều nhất trí đánh giá chính quyền huyện đã thực sự chú ý tới cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ, người dân tộc thiểu số, nhóm người yếu thế làm chủ trong các hoạt động quản lý điều hành kinh tế; đã quan tâm tới các đối tượng này trong các chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tại huyện.

Gần 90% số doanh nghiệp, hợp tác xã được hỏi đồng ý với nhận định "các nội dung phát triển bao trùm (bình đẳng giới, dân tộc thiểu số...) đã được quan tâm chú ý trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật , quy hoạch, kế hoạch của Sở, ban, ngành"... Các vấn đề về bình đẳng giới được đại diện các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá ở mức điểm "tốt" cho thấy một bức tranh đẹp về bình đẳng giới tại tỉnh Lào Cai. Tuy vậy, các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương tại Lào Cai xác định vẫn có biên độ để cải thiện hơn nữa các vấn đề liên quan tới giới để đạt được mức đánh giá cao hơn trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2020, Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm từng bước trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Mới đây, tại thị xã Sa Pa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho phụ nữ người dân tộc thiểu số với 25 học viên dân tộc Dao, Mông, Xa Phó… là hướng dẫn viên du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của thị xã.

Tại huyện Văn Bàn, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tổ chức tập huấn kỹ năng nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuỗi liên kết phát triển cây măng sặt cho trên 80 phụ nữ dân tộc thiểu số của xã Nậm Xây. Dự án xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt gắn với chuỗi giá trị nhằm cải thiện vị thế kinh tế cho phụ nữ huyện Văn Bàn đặt ra mục tiêu 80% phụ nữ hưởng lợi tăng tự tin tham gia vào hoạt động sản xuất măng sặt...

Theo ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, từ năm 2020, chỉ số DDCI của Lào Cai sẽ được nâng tầm ở mức độ cao hơn. Sở tham mưu UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh phương pháp luận, bộ công cụ chỉ số DDCI theo hướng nghiên cứu, bổ sung thêm một số cơ quan liên quan trong danh sách được khảo sát, đánh giá; đồng thời xây dựng phương án bổ sung các kết quả này vào tiêu chí phân xếp loại hàng năm của cấp ủy, chính quyền các sở, ngành địa phương.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm