Gia đình ông Vũ Văn Thính, thôn Thái Vôi, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, sử dụng biogas để đun nấu và thắp sáng thay thế nhiên liệu khác. Ảnh: Hương Thu - TTXVN |
Lào Cai là 1 trong 10 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn tham gia dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ; trong đó, hỗ trợ phát triển các công trình khí sinh học là nội dung thuộc hợp phần "Quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi" của dự án với mục tiêu tăng cường ứng dụng các công nghệ nhằm sử dụng tối ưu các phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất năng lượng sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ và các sản phẩm khác để tăng thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân, bảo vệ môi trường nông thôn. Theo bà Phạm Thị Hoa, Phó Trưởng Ban quản lý dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Lào Cai, qua 6 năm triển khai thực hiện tại tỉnh Lào Cai, các hoạt động của dự án đã đem lại sự thay đổi lớn về nhận thức và hành vi của người chăn nuôi trong việc xử lý môi trường, giúp người dân nhận thức đúng hơn về điểm mạnh và hạn chế của các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiện hành, giới thiệu cho người dân những công nghệ mới vừa giúp xử lý môi trường hiệu quả, vừa đem lại tỷ suất lợi nhuận cao cho người dân. Các hoạt động của dự án cũng đã bước đầu có tác động thay đổi chính sách quản lý môi trường chăn nuôi theo hướng phù hợp hơn với thực tế sản xuất, tạo điều kiện để tái sử dụng nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi, qua đó tạo động lực lợi nhuận để người chăn nuôi đầu tư xử lý môi trường hiệu quả và bền vững... Đặc biệt, việc hỗ trợ xây lắp các công trình khí sinh học quy mô nhỏ đã đem lại hiệu quả cao về đầu tư, xã hội và môi trường như: sử dụng khí gas làm giảm chi phí mua nhiên liệu đun nấu; giảm thời gian kiếm củi và đun nấu cho phụ nữ và trẻ em; tạo môi trường sạch sẽ, không mùi hôi, không khói bụi. Cũng trong năm 2019, Ban quản lý dự án Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai ngoài hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các hộ tham gia xây dựng công trình khí sinh học, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi còn triển khai hỗ trợ được 48 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện như mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học, hệ thống thông khí, khu nuôi giun trùn quế, mô hình sử dụng nước thải sau biogas tưới cho cây trồng, máy phát điện bằng khí sinh học... Qua đó, tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi, thủy sản, có phân vi sinh hữu cơ bón cho cây trồng, thay thế nguồn phân hóa học, tiết kiệm chi phí cho hộ gia đình từ 30-100% tiền mua phân hóa học. Ngoài ra, một số hộ dân còn tăng thêm thu nhập từ việc bán phân vi sinh hữu cơ, phân trùn quế, bán giun giống cho các vùng trồng rau, trồng cây ăn quả... Năm 2020 là năm cuối thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng và hỗ trợ tài chính 60 công trình khí sinh học quy mô nhỏ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến tuyên truyền cho người dân về các biện pháp chống quá tải và nhân rộng các mô hình xử lý sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi; tập huấn bổ sung cho các kỹ thuật viên, thợ xây lắp; tổ chức kiểm tra, giám sát tối thiểu các công trình khí sinh học đang vận hành.
Hương Thu