Lực lượng chức năng giúp người dân dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Lục Hương Thu - TTXVN |
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Đoàn công tác báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí 140 tỉ đồng cho 3 dự án cấp bách phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương này. Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị hỗ trợ 20 tỉ đồng xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư (dài 200 m) nhằm ngăn chặn sạt lở đất tại đường Thái Quang, huyện Văn Bàn; 70 tỉ đồng xây dựng kè bảo vệ khu dân cư (dài 4 km) tại 5 thôn của xã Dương Quỳ huyện Văn Bàn; 50 tỉ đồng để thực hiện dự án sắp xếp dân cư thiên tai thôn Na Lung, Bản Chiềng 2 (xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên). Trong 6 tháng đầu năm 2019, Lào Cai đã sửa chữa xây dựng 53 dự án, công trình phòng chống thiên tai với tổng kinh phí xấp xỉ 154 tỉ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, qua rà soát cho thấy, hiện Lào Cai có 39 điểm và 97/164 xã, phường, thị trấn có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Năm 2019, Lào Cai đã rà soát được 276 hộ dân phải di chuyển ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm. Đến nay, tỉnh đã di chuyển và bố trí chỗ ở cho 100 hộ. Để chủ động trong việc bố trí di chuyển các hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm đến nơi an toàn, Lào Cai đã phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án Quy hoạch tổng thể bố trí sắp xếp dân cư giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và giao các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Trong đó, năm 2019 thực hiện 4 dự án sắp xếp dân cư tập trung cho 138 hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm tại các xã Lùng Khấu Nhin, (Mường Khương), Cam Cọn (Bảo Yên), Trung Chải (Sa Pa), Thái Niên (Bảo Thắng). Kinh phí đã giải ngân các dự án này là 42,2 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai còn đề nghị Trung ương sửa đổi Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về việc thành lập và quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai, vì còn nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, tại Nghị định không quy định kinh phí chi cho các hoạt động của cơ quan Quỹ; đối tượng miễn giảm, tạm hoãn chưa cụ thể, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nội dung chi chưa phù hợp với thực tế... Lào Cai cũng đề nghị, các cơ quan Trung ương bố trí trang bị các phương tiện kỹ thuật cho lực lượng xung kích cấp xã bảo đảm phòng chống, ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, nhất là các trang thiết bị kỹ thuật, để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngay từ giờ đầu (khoan bê tông, thiết bị cứu hộ, cứu nạn dưới nước, máy phát điện công suất lớn...). Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trịnh Thị Thủy ghi nhận những thành tích Lào Cai đạt được trong việc xây dựng và sử dụng hiệu quả Quỹ phòng chống thiên tai, có phương án xử lý, cắm biển cảnh báo an toàn tại hầu hết các điểm đen có nguy cơ sạt lở... Bà Trịnh Thị Thủy cho biết, các kiến nghị của Lào Cai sẽ được tổng hợp báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đối với công tác phòng, chống thiên tại tại địa phương. Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Lào Cai trong thời gian tới, làm tốt hơn nữa công tác cập nhật bản đồ dữ liệu, đánh giá nơi ở an toàn dân cư, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ bão lũ. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn hồ đập, phối hợp nhịp nhàng giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp, để người dân vùng hạ du chủ động phòng tránh xả lũ trong mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Hương Thu