Lào Cai chủ động hướng dẫn người dân ứng phó với thiên tai

Người dân vượt ngầm tràn Tân Long, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN
Người dân vượt ngầm tràn Tân Long, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN

Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi 16/19 loại hình thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá khu vực miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng trong thời gian tới được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Trước thách thức đó, Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp hướng dẫn người dân chuẩn bị các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Lào Cai chủ động hướng dẫn người dân ứng phó với thiên tai ảnh 1 Người dân vượt ngầm tràn Tân Long, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN

Chủ động "4 tại chỗ"

 
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp khó lường. Theo thống kê, 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 đợt rét đậm rét hại, 59 trận mưa lớn, 27 trận lũ quét, sạt lở đất cùng với nhiều loại hình thiên tai khác làm chết và mất tích 234 người. Thiệt hại về kinh tế trên 4.624 tỷ đồng (bình quân 400-500 tỷ đồng/năm).

Riêng năm 2019 thiên tai ở Lào Cai đã làm 4 người chết, 4 người bị thương, nhiều nhà cửa hoa màu và hạ tầng bị thiệt hại. Ước thiệt hại trên 102 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, địa phương này đã xảy ra 19 đợt thiên tai làm 2 người chết, 8 người bị thương, 2.524 nhà ở bị hư hỏng và ảnh hưởng, 331 ha lúa mạ hoa màu bị thiệt hại, 50 điểm trường và trụ sở cơ quan, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Ước thiệt hại trên 120 tỷ đồng.

Nhận thức trước việc thiên tai tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, Lào Cai đã xác định giải pháp căn cơ bền vững nhất là "lấy phòng ngừa là chính", từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai. Trong đó, để giảm bớt rủi ro thiên tai, phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) luôn được địa phương này coi là nhiệm vụ quan trọng.

Tại huyện Si Ma Cai, trong 3 tháng đầu năm 2020 - thời điểm ít xảy ra thiên tai nhất trong năm đã bất ngờ xảy ra 3 trận mưa đá gây thiệt hại lớn, trong đó nhiều nhất là thị trấn Si Ma Cai với 414 hộ, 4 công trình hạ tầng, 2 kênh mương thủy lợi và nhiều cây cối, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Ông Thào A Lừ, Phó phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Những đợt mưa đá đầu năm gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân trên địa bàn. Nhờ có sự chủ động trong phòng, chống thiên tai, thị trấn đã nhanh chóng huy động các lực lượng tham gia giúp người dân khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.

Thị trấn Si Ma Cai có 7 tổ dân phố với 1.214 hộ. Ngay từ đầu năm 2020, UBND thị trấn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời rà soát các điểm xung yếu trên địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai cao để có phương án kịp thời xử lý, khắc phục. Bên cạnh đó, để theo dõi thường xuyên, thị trấn Si Ma Cai đã lập các nhóm zalo ở từng tổ dân phố để nhận thông báo thường xuyên và kịp thời tham gia ứng cứu, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Nhờ thông báo kịp thời và di dời nhanh nên nhiều năm trở lại đây, thị trấn Si Ma Cai không có thiệt hại về người ngay cả khi mưa lũ xuất hiện vào thời điểm bất ngờ nhất.

Nâng cao nhận thức trong cộng đồng

Lào Cai coi việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, không ai cần hiểu về khí hậu thổ nhưỡng nơi mình sống hơn chính người dân địa phương. Người dân sẽ nắm rõ tại nơi mình sinh sống thường xuyên chịu những rủi ro gì của thiên tai và khi cần nên di chuyển đến đâu. Do đó, Lào Cai xác định để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao cần có sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương. Trong đó, cấp xã là hạt nhân để truyền tải cũng như tổ chức thực hiện các nghị quyết, đường lối, chủ trương đến tận người dân.

Để làm được điều đó, năm 2020, Lào Cai có kế hoạch tổ chức 40 lớp tập huấn tuyên truyền cho các đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp, trong đó đặc biệt là các cán bộ của xã, thôn, bản và cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, tại cộng đồng, Lào Cai đã triển khai rất nhiều hình thức tuyên truyền, từ tuyên truyền tập trung cho đến lồng ghép các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, hình thức tổ chức sắm vai diễn kịch để tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai được tăng cường. Các buổi kịch nói, kịch hát được xây dựng phù hợp với giọng điệu, bản sắc ngôn ngữ dân tộc ở từng địa phương đã giúp truyền tải đến người dân một cách mộc mạc dễ hiểu nhất nội dung thiên tai, thảm họa thời tiết đặc thù, thường xuyên xảy ra ở từng địa phương đó.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng dự báo, tăng cường công tác cảnh báo cũng được Lào Cai đặc biệt chú trọng. Tính đến tháng 7/2020, ngoài trạm quan trắc khí tượng thủy văn của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có 47 trạm cảnh báo quan trắc khí tượng thủy văn, đo mưa, cảnh báo thời tiết, thiên tai, cảnh báo cháy rừng. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, Lào Cai sẽ thuê thêm 20 trạm đo mưa và 3 hệ thống cảnh báo thời tiết, thiên tai. "Như vậy, cơ bản đến hết năm 2020, Lào Cai có thể đáp ứng 70-80% số trạm theo nhu cầu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo", ông Quảng Văn Việt cho biết thêm.

Sạt lở và lũ quét là loại hình thiên tai phổ biến của tỉnh Lào Cai hàng năm. Để nắm được tất cả những vị trí có nguy cơ là rủi ro thiên tai, Lào Cai đã và đang tiến hành thu thập cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành một cách có hiệu quả, đặc biệt là thu thập các cơ sở dữ liệu từ cấp cơ sở. Các nguy cơ này được phân ra 3 mức độ cao, thấp và trung bình, lấy đó làm cơ sở trong quá trình triển khai, tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, việc phân loại sẽ giúp các địa phương nắm chắc từng hộ thuộc diện cần phải di chuyển khẩn cấp nằm trong vùng thiên tai, nguy cơ cao sạt lở, lũ quét để có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn nhằm di chuyển đến nơi an toàn.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm