Vào mùa lễ hội tháng Giêng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đền, chùa... trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thu hút một lượng lớn du khách tham quan, vãn cảnh. Đây cũng chính là dịp để các dịch vụ ăn uống nở rộ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống có tính chất tạm thời, lều quán đơn giản thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn nên nguy cơ người tiêu dùng mắc các bệnh lây qua thực phẩm là rất lớn...
Trước thực tế đó, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, hạn chế thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người kinh doanh và du khách. Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ ở thành phố Lạng Sơn được tổ chức từ ngày 22 – 27 tháng Giêng. Do là lễ hội lớn được tổ chức qua nhiều năm và được nhiều khách du lịch trong nước biết đến nên vào những ngày diễn ra, có hàng vạn du khách đến với thành phố Lạng Sơn để thưởng thức nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc miền núi này.
Theo UBND thành phố Lạng Sơn, chính quyền sở tại đã thành lập Ban tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, văn hóa, du lịch và lễ hội truyền thống; chỉ đạo các phường, xã thành lập các Ban tổ chức lễ hội để phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh cho biết, trên địa bàn có 7 lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng. Để lễ hội diễn ra an toàn, các Ban tổ chức lễ hội đã lên phương án, phối hợp với đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán bán hàng bảo đảm an toàn thực phẩm cho du khách; đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
Tại huyện biên giới Văn Lãng trong tháng Giêng có khoảng 30 lễ hội lớn, nhỏ. Trong đó có những lễ hội lớn như lễ hội chùa Tân Thanh (xã Tân Thanh) tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng. Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng Lê Tuấn Minh cho biết: Do lượng khách về dự lễ hội chùa Tân Thanh năm 2023 rất đông, với khoảng 1 vạn lượt, nên để đảm bảo cho các hoạt động lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, chính quyền huyện đã chỉ đạo xây dựng và bám sát kế hoạch cụ thể trong tổ chức, quản lý lễ hội. Trong đó, cùng việc phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội, phòng, chống cháy nổ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 280 lễ hội diễn ra vào dịp đầu Xuân. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn đã có kế hoạch triển khai, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với các đơn vị chức năng phù hợp, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Lực lượng chức năng đã thanh kiểm tra 42 cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống; trong đó có 40 cơ sở đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và 2 cơ sở vi phạm với lỗi chủ yếu là bảo quản lưu mẫu thức ăn.
Phó Chi Cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Nam Dũng cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống được sử dụng nhiều trong mùa lễ hội. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều đạt điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; nhận thức của người kinh doanh dịch vụ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được nâng lên.
Song song với công tác thanh kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn còn tích cực tuyên truyền chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị y tế tuyến huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý…
Từ đầu mùa lễ hội 2023 đến ngày 10/2, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm đáng nghiêm trọng. Tuy nhiên rất dễ bắt gặp những hình ảnh lều quán bán đồ ăn đường phố tạm bợ, di động ở các lễ hội và phần lớn đều không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao về ngộ độc.
Phó Chi Cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, du khách và nhân dân tham gia các lễ hội hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn các đồ ăn thức uống, các cơ sở phục vụ ăn uống có uy tín, thương hiệu; nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra, thông tin kịp thời đến các đơn vị chức năng khi thấy các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm.
Nguyễn Quang Duy