Công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2021, tỷ lệ mắc lao toàn địa bàn là 86/100.000 dân, ở mức trung bình so với toàn quốc. “Cuộc chiến” với bệnh lao của tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải kể đến những khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Bệnh viện Phổi Lạng Sơn là đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh chuyên ngành lao và các bệnh về phổi. Để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, đơn vị đã tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ, triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị hiệu quả cao như máy X-quang cố định kỹ thuật số, máy thở chức năng cao, máy điện tim 12 kênh… Bác sỹ Ma Thị Thơm, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, đơn vị đã được Bệnh viện Phổi Trung ương phân bổ một số trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn. Các máy móc sau khi tiếp nhận được lắp đặt và khai thác sử dụng ngay, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đơn vị còn cử các cán bộ y tế tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên môn trực tuyến; hằng năm tổ chức tập huấn truyền thông về bệnh lao cho đội ngũ y tế thôn bản và trưởng thôn ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn, biên giới.
Bà Đỗ Thị Tơ, 70 tuổi, trú tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đang điều trị tại Bệnh viện chia sẻ, trước khi nhập bệnh, bà thấy khó thở nhiều tuần kèm theo ho đờm và tức ngực. Bà được chẩn đoán mắc lao. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của bà đã cơ bản ổn định. Vì ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên không chỉ riêng bà mà nhiều người khác cũng ngại đi khám.
Để góp phần sớm phát hiện các trường hợp mắc lao trong cộng đồng, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã phối hợp với các đơn vị y tế cơ sở tăng cường tổ chức các đợt khám phát hiện chủ động bệnh tại các xã vùng sâu, vùng xa, qua đó người dân được tiếp cận dịch vụ y tế và truyền thông dự phòng. Trong năm 2021, đơn vị phối hợp với chính quyền huyện Lộc Bình và Văn Quan tổ chức khám, xét nghiệm GeneXpert và chụp X-quang phổi lưu động, phát hiện chủ động bệnh lao cho trên 1.350 người.
Theo bác sỹ Nông Trọng Hòa, Phó Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, người bệnh tới khám, điều trị đa phần là lao động chính trong gia đình ở những vùng khó khăn, thường là đồng bào dân tộc thiểu số. Những người mắc lao được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe; còn người phát hiện muộn, quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nếu cảm thấy bất thường về sức khỏe như sốt, ho kéo dài trên 3 tuần, khó thở, đau tức ngực, khạc đờm kéo dài 3 tuần, chán ăn mệt mỏi… cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám phát hiện bệnh sớm.
Đánh giá của ngành y tế cho thấy, công tác phòng, chống lao tại Lạng Sơn đang gặp không ít khó khăn khi mà nhận thức và hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế; người dân chưa được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế tốt nhất trong việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn Ma Thị Thơm cho rằng, để giải quyết phần nào những khó khăn trên đòi hỏi những nỗ lực và phối hợp có hiệu quả của các tuyến y tế cơ sở trong việc nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh; đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động khám phát hiện chủ động cho người dân sinh sống những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành Y tế, chính quyền các cấp và mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận các dịch vụ y tế, cùng chung tay phòng, chống bệnh lao, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Sở Y tế, mạng lưới chống lao của tỉnh đang được duy trì tại 11 huyện, thành phố và 200 xã, phường, thị trấn đã cơ bản đáp ứng được các hoạt động khám, phát hiện và quản lý điều trị lao tại cơ sở. Năm 2021, các cơ sở y tế thu nhận điều trị 708 bệnh nhân lao các thể (giảm 17,76% so với năm 2020) và 15 bệnh nhân lao kháng thuốc.
Nguyễn Quang Duy