Vườn quất cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Tuynh (61 tuổi, xóm Chùa) cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/sào/năm. Ảnh: Thanh Nga - TTXVN |
Có mặt tại xã Thanh Thủy những ngày này, phóng viên cảm nhận được sự nhộn nhịp của hoạt động mua bán quất cảnh. Khắp nơi đều là màu vàng ươm của những cây quất quả dày đặc, lá xanh mơn mởn. Nhiều nhà vườn cho biết, thu nhập từ cây quất cảnh vụ Tết năm nay có thể thu lãi tới 100 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Văn Tuynh (61 tuổi, trú tại xóm Chùa, xã Thanh Thủy) cho biết, gia đình ông trồng hơn 500 cây quất cảnh bán vụ Tết. Hiện đã có thương lái đến mua, khi chọn được cây ưng ý, họ đặt cọc tiền và để lại cho chủ vườn chăm sóc chờ cận Tết mới chuyển đi.
“Cho đến nay hơn 300 gốc quất của gia đình ông đã có thương lái mua. Hàng ngày, hai vợ chồng ông luôn tay chăm sóc vườn cây, cắt bỏ những quả xấu, bơm nước tưới và dẫn người mua đi xem, chọn cây”, ông Tuynh chia sẻ.
Với kinh nghiệm gần 30 trồng quất, ông Tuynh cho biết thu nhập từ cây quất cảnh lên đền 100 triệu đồng/sào/năm. Ngoài ra trồng quất cảnh công việc trải đều, không vất vả như trồng các cây khác như vải, chuối lại cho thu nhập cao hơn.
Cách đó không xa vườn của ông Tuynh là vườn quất của ông Nguyễn Văn Nguyện (49 tuổi), với hơn 800 cây. Cũng như các hộ dân trong vùng, những cây quất của ông Nguyện đều sai quả, lá xanh mướt. Ông Nguyện cho biết, những năm tước, thời điểm đầu tháng 12 âm lịch khách mới đặt mua, nhưng năm nay ngay từ đầu tháng 11 đã có khách đến đặt cọc và ít hôm nữa, xe ô tô sẽ đến vận chuyển quất đi khắp nơi.
Theo ông Nguyện, so với quất tại những nơi khác như Văn Giang, Hưng Yên thì quất Thanh Hà quả tuy nhỏ nhưng vẫn được người dân yêu chuộng vì bền, giữ được lâu và giá cả phù hợp. Hiện các thương lái đang mua với giá từ 150.000 - 300.000 đồng/cây, có những cây lên tới 350.000 đồng, cao hơn so với mức giá 280.000 đồng/cây năm ngoái.
Vườn quất cảnh tại xã Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: Thanh Nga - TTXVN |
Huyện Thanh Hà nổi tiếng với nhiều trái cây đặc sản của tỉnh Hải Dương như vải, ổi, bưởi, chuối, và quất. Đặc biệt những năm gầy đây, cây quất cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán của địa phương ngày càng được yêu chuộng. Cây quất được trồng tại xã Thanh Thủy từ đầu những năm 1990, với diện tích ngày càng mở rộng. Hiện nay toàn xã có 10 ha trồng quất; trong đó hơn 3 ha trồng quất cảnh.
Ông Nguyễn Văn Đức, thương lái ở Chí Linh, Hải Dương, sau một buổi sáng đến các vườn quất ở xã Thanh Thủy cho biết: “Những năm gần đây quất cảnh Thanh Thủy được yêu thích vì quả bền, dáng đẹp, giá cả phải chăng. Tôi đã đặt mua 100 cây, tôi đã đặt cọc tiền và gửi lại chủ vườn chăm sóc. Đến 15/12 âm lịch sẽ thuê xe chở về bán”.
Theo ông Phạm Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, tổng diện tích trồng quất cảnh và quất lấy quả là 10 ha, do thị trường tăng cao nên xã đã tăng diện tích trồng quất cảnh từ 2,5 ha năm 2018 lên đến hơn 3 ha. Quất Thanh Thủy không sử dụng chất kích thích quả chín, quất sạch, bền nên người mua hoàn toàn yên tâm khi mua để trưng bầy trong dịp Tết Nguyên đán cũng như sử dụng sau Tết. Dự kiến vụ Tết Nguyên đán năm nay xã cung ứng ra thị trường hơn 4,5 vạn cây quất cảnh.
Thị trường tiêu thụ rộng, giá bán ổn định, cho kinh tế cao hơn các cây trồng khác, xã Thanh Thủy xác định quất cảnh đang là một trong những cây thế mạnh của địa phương, nên trong thời gian tới xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng quất cảnh.
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho hay, trên địa bàn huyện có 5 xã trồng quất gồm Thanh Thủy, Thanh Sơn, Thanh Hồng, Phượng Hồng và Cẩm Chế với tổng diện tích hơn 300 ha, cùng với việc hỗ trợ quảng bá cây quất của địa phương trong và ngoài tỉnh, địa phương cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các nhà vườn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng của cây, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn nông dân đăng ký chứng nhận VietGAP.
Ngoài ra, huyện cũng định hướng phân khu để nông dân tập trung vào từng loại cây trồng, từ đó tập trung phát triển cây trồng theo vùng, góp phần cải thiện đời sống bà con.
Thanh Nga
TTXVN