Về Vĩnh Long, ven dòng sông Hậu có một làng nghề nổi tiếng với nghề làm tàu hũ ky, đó là làng nghề Mỹ Hòa - Bình Minh. Đây là một nghề nổi tiếng lâu đời, tập trung đông ở những gia đình người Hoa.
Khi nhắc đến tàu hũ ky nhiều người mặc định đó là đồ chay, nhưng bây giờ thì nó không còn là nguyên liệu độc quyền dành riêng cho những người ăn chay nữa. Vì không chỉ là một món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hũ ky còn đa dạng trong chế biến. Nào là tàu hũ miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, cọng non, tàu hũ ky ướp muối…
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa là dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh Cái Vồn, nay gần chân cầu Cần Thơ. Làng nghề Mỹ Hòa được hình thành từ thời anh em nhà Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp, bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hũ ky đông lên thành hẳn một làng nghề. Tính đến nay, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hoà đã tồn tại trên 100 năm.
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa là dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh Cái Vồn, nay gần chân cầu Cần Thơ. Làng nghề Mỹ Hòa được hình thành từ thời anh em nhà Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp, bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hũ ky đông lên thành hẳn một làng nghề. Tính đến nay, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hoà đã tồn tại trên 100 năm.
Nguyên liệu để là tàu hũ ky là đầu nành với những công cụ hết sức giản đơn: mấy lò nấu, mấy cái vạc, chảo gang, một số dàn phơi làm bằng tre. Quy trình nấu đậu hũ ky không mấy khó. Đậu nành đem về, ngâm nước chừng một giờ, đãi vỏ rồi cho vào xay lấy nước sau đó đổ vào đun âm ỉ trong một ngày. Tới khi chảo nước sôi đều, nổi váng màu vàng đậm thì cũng là lúc vớt tàu hũ.
Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 70 độ C. Nếu muốn lá tàu hũ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút. Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch váng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo. Thợ làm tàu hũ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ. Để ra được 1kg tàu hũ ky với giá 95 ngàn đồng bán ra thị trường phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi.
Tàu hũ vớt được, đem phơi khô hoặc phơi tái. Công nghệ chế biến tàu hũ ky bao đời nay vẫn là hình thức thủ công. Một ngày làng Mỹ Hòa cung cấp cho thị trường 5 tấn tàu hũ ky.
Từ xưa tới nay, tàu hũ ky tự nó đã là một thành phẩm cho nên rất dễ dùng tàu hũ ky để làm thành những món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Tàu hũ ky chiên, ngâm nước cho mềm rồi cắt sợi hay miếng nhỏ rất thích hợp để cho vào những món xào, canh…
Còn để làm những món chiên, cần dùng tàu hũ ky như một loại bao bì thì người ta hay dùng tàu hũ ky tươi, vì tàu hũ ky chiên rồi mà đem chiên lại sẽ dai hơn là giòn. Sử dụng tàu hũ ky trong nghệ thuật tạo hình những món chay của bếp Trung Quốc là cả một nghệ thuật. Nhiều đầu bếp người Hoa có thể dùng tàu hũ ky làm thành những món cá chiên, vịt chiên rất tinh xảo.
Theo langvietonline.vn