Khi cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) và 135 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5 và hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng là lúc những người thợ làng nghề Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) hối hả làm ra những lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm, cung ứng cho thị trường. Đây cũng là làng “độc nhất vô nhị” tại Thủ đô may cờ Tổ quốc vài chục năm qua.
*Gửi tâm nghề vào những lá quốc kỳ
Làng Từ Vân cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 25 km, nằm ven đê sông Hồng đoạn chảy qua huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và Thường Tín (Hà Nội). Khoảng vài chục năm trước, làng Từ Vân đã nổi tiếng là thủ phủ của tỉnh Hà Tây (cũ) với các sản phẩm thêu tay. Kinh tế thị trường phát triển, nhiều hộ ở Từ Vân đã không còn làm nghề thêu truyền thống mà chuyển sang nghề thêu, sản xuất ra các loại cờ, pa nô, áp phíc, băng rôn… Là nghề của thời vụ, kỳ cuộc nên trước ngày đất nước diễn ra sự kiện trọng đại - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thì ở Từ Vân lại rộn ràng, tất bật hơn bao giờ hết để kịp đưa ra thị trường những sản phẩm đẹp, phục vụ ngày hội của cả dân tộc.
Năm nay, các đơn đặt hàng sản xuất cờ đã được gửi đến Từ Vân từ rất sớm với số lượng tăng gần gấp đôi so với năm trước. Vì thế các công đoạn từ chọn vải, nhập máy móc, tuyển thợ giỏi đến công việc in, thêu ngôi sao, logo, may… đều diễn ra trong khuôn viên nhiều ngôi nhà với tinh thần khẩn trương để kịp tiến độ.
Nhanh tay nhưng chuẩn xác đưa những mũi thêu ngôi sao vàng năm cánh trên lá cờ Tổ quốc, chị Nguyễn Thu Phương chia sẻ dù công việc rất bận rộn, thu nhập chưa cao nhưng những người thợ đều cảm thấy vui, tự hào khi sản phẩm được treo trang trọng ở nhiều cơ quan đơn vị, tỉnh thành trên cả nước. “Tại những buổi lễ trọng đại, xem qua màn hình ti vi tôi biết những lá cờ đang bay phấp phới trong gió của các bộ ngành hay quân binh chủng phần lớn đều do tay người thợ Từ Vân thêu, may làm ra. Người thợ cảm thấy hân hoan trong lòng nên thường bảo nhau thêu cho chau chuốt từng đường kim, mũi chỉ khi làm cờ”, người phụ nữ trung niên giọng tự hào kể về công việc của mình.
Để làm ra lá cờ, người thợ phải thực hiện hàng chục công đoạn khác nhau nhưng in, lắp, thêu ngôi sao vàng năm cánh là quan trọng nhất. Người thợ ở Từ Vân xác định, lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho linh hồn dân tộc nên công việc gắn ngôi sao vàng thường được thợ lành nghề, có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện với sự tập trung cao độ. Dù lá cờ lớn hàng chục mét vuông hay bé nhỏ bằng bàn tay thì ngôi sao vàng năm cánh cũng phải được đặt ở vị trí trang trọng, với tỷ lệ cân đối hài hòa nhất. Nói như anh Nguyễn Văn Phục công việc làm cờ đã thấm vào anh từ khi còn trong bụng mẹ. Gia đình anh từ đời ông nội đã làm nghề sản xuất cờ ở Từ Vân và duy trì cho đến nay. “Khi làm cờ Tổ quốc, cờ Đảng, người thợ chúng tôi phải làm bằng tâm huyết, thực hiện các công đoạn với khả năng, kỹ thuật tối đa nhằm “thổi hồn” nghề vào đôi bàn tay để làm ra lá cờ đẹp và trang trọng nhất”...
*Khuyến khích truyền nghề may cờ
Ngược dòng thời gian, ở thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945, hàng trăm lá cờ của làng Từ Vân đã tung bay trên quảng trường Ba Đình và nhiều góc phố phường của Thủ đô Hà Nội. Những món quà tặng của đoàn công tác thành phố Hà Nội khi đi thăm các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại quần đảo Trường Sa, thường có những lá cờ xuất xứ ở Từ Vân.
Ngày nay, do nhu cầu xã hội phát triển nên người Từ Vân không chỉ làm cờ Tổ quốc, cờ Đảng các kích cỡ nữa mà còn làm loại băng rôn, pa nô, áp phíc, cờ đuôi nheo, cờ thưởng tại các giải thể thao… theo yêu cầu. Có những thời điểm, như dịp Đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu giành danh hiệu cao; các hội nghị của thế giới tổ chức tại Hà Nội, người Từ Vân cũng kịp thời nắm bắt và sản xuất cờ phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trước đây, việc may cờ chủ yếu làm thủ công nên tốn thời gian, cần nhiều nhân công. Hiện nay, các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh mà chi tiết lại sắc nét, đẹp hơn.
Chủ tịch xã Lê Lợi, huyện Thường Tín Nguyễn Tấn Phát cho hay, dù nghề làm cờ Tổ quốc ổn định, có thu nhập nhưng một số thanh niên trong làng cũng không đi theo nghề trên, do công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ, khéo tay. Do vậy, để nghề truyền thống của địa phương có cơ hội phát triển hơn trong tương lai, chính quyền xã thường xuyên động viên, khuyến khích các gia đình truyền nghề cho con cháu trong thôn. Đồng thời, địa phương cũng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật nâng chất lượng đối với những hộ tham gia làm cờ. Mặt khác, xã Lê Lợi luôn tạo điều kiện tối đa cho các hộ nếu có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất cờ.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa đất nước sẽ diễn ra sự kiện trọng đại - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây cũng là thời điểm sản phẩm cờ của làng Từ Vân được mang đi tiêu thụ ở mọi miền Tổ quốc. Tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm cùng nhiều con đường khác ở Thủ đô hiện nay đã được trang hoàng bằng loại cờ, băng rôn, khẩu hiệu... chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong phần trang trí ấy, không bao giờ thiếu những lá cờ được làm ở Từ Vân. Dẫu còn còn vất vả, khó khăn nhưng tin rằng với niềm tự hào của mình, người dân nơi đây vẫn theo đuổi nghề làm cờ trong tương lai.
Mạnh Khánh