Tối 19/3, Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội (3/1973-3/2023) đã diễn ra trong sự lắng đọng, nhiều cảm xúc tại khu vực Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.
Chương trình nghệ thuật hội tụ nhiều ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; lý tưởng cách mạng của lớp thanh niên sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do dân tộc như: Non xuân ngàn năm gấm vóc, Tuổi xuân dâng Đảng, Mãi mãi tuổi hai mươi, Tự nguyện, Bài ca không quên, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Tổ quốc gọi tên mình…, qua sự thể hiện của Nghệ sĩ ưu tú Thanh Bình, Minh Quân, Thu Thủy, Tiến Ngọc, Quách Mai Thy… cùng Vũ đoàn Hà Thành, Vũ đoàn Hà Nội trẻ và dàn hợp xướng.
Chương trình góp phần tri ân các thế hệ cha anh đã hi sinh tuổi trẻ, xương máu cho tương lai đất nước. Những tấm gương chiến đấu, hi sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã trở thành những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của dân tộc, là niềm tự hào, tấm gương sáng để các thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử vang của dân tộc. Qua đó, nêu cao truyền thống anh hùng, đấu tranh giữ nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trong các thế hệ hôm nay; cổ vũ, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ quyết tâm thi đua học tập, lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ, xây dựng đất nước và Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tiết mục "Non sông nghàn năm gấm vóc" tại chương trình. Ảnh: Thu Phương - TTXVN phát
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự kiện kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội là dịp để mỗi người dân yêu nước, yêu Thủ đô ghi nhớ, tôn vinh sự hi sinh cao cả của lớp người đi trước. Trong dịp này, ngành Văn hóa Thủ đô đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều chương trình, hoạt động kỷ niệm ý nghĩa như trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật...
Lịch sử dân tộc ghi nhớ, cách đây 50 năm về trước, Đế quốc Mỹ - sau thất bại liên tiếp ở các chiến trường, đã phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973). Hiệp định đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử giải phóng dân tộc ở thời đại Hồ Chí Minh, mở đường cho ngày chiến thắng trở về của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại các nhà lao, trại giam trải dài 3 miền đất nước.
Đinh Thuận