Lan tỏa loại hình nghệ thuật hội bài chòi trong trường học ở Quảng Bình

Tại tỉnh Quảng Bình, bài chòi là hội vui trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đây là một trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống và gắn kết tình cộng đồng, làng xã. Thời gian qua, bài chòi được đưa vào giới thiệu và thực hành trong trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo nên không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày Tết.

vna_potal_quang_binh_lan_toa_loai_hinh_nghe_thuat_hoi_bai_choi_trong_truong_hoc__7224589.jpg
Hội bài chòi được đưa vào giới thiệu và thực hành tại Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tại Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) không khí của buổi chơi hội bài chòi những ngày Tết khá sôi động. Đây là lần đầu tiên các em học sinh trường Tiểu học số 2 Bắc Lý được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian này, song ai cũng vui tươi phấn khởi và hào hứng khi được tham gia hội chơi.

Em Lê Ngọc Anh, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý chia sẻ, khi nhà trường tổ chức Chương trình “Xuân ấm cho em”, em được tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, gói bánh chưng cùng ông bà và thầy cô. Đặc biệt, em cảm thấy rất vui và hào hứng với trò chơi dân gian bài chòi.

vna_potal_quang_binh_lan_toa_loai_hinh_nghe_thuat_hoi_bai_choi_trong_truong_hoc__7224590.jpg
Học sinh Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) tham gia chơi Hội bài chòi. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý cho biết, đây là lần đầu tiên hội chơi bài chòi được nhà trường tổ chức, giúp các em học sinh có thêm trải nghiệm, có cơ hội được tiếp cận Lễ hội Di sản văn hóa bài chòi. Thông qua hoạt động này để các em thêm hiểu và yêu thích các loại hình văn hóa của cha ông để lại, đồng thời tạo sự kế thừa cho thế hệ măng non về nghệ thuật di sản bài chòi, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên quê hương Quảng Bình hai giỏi.

Loại hình nghệ thuật bài chòi của vùng Trung bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 12/2017. Bài chòi mang đậm tính giáo dục, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Việc đưa bài chòi vào trường học tại Quảng Bình đã và đang góp phần gìn giữ di sản, đồng thời lan tỏa ngọn lửa đam mê đến thế hệ trẻ.

vna_potal_mang_nghe_thuat_bai_choi_vao_truong_hoc_o_quang_binh_7224588.jpg
Bài chòi được đưa vào giới thiệu và thực hành tại Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, để gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi, Sở tích cực hỗ trợ các Câu lạc bộ bài chòi trong tỉnh tiếp tục trao truyền các kỹ năng trình diễn, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn các giá trị nghệ thuật bài chòi. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình sẽ phối hợp với các địa phương có liên quan để tổ chức các hội chơi bài chòi; tiếp tục phối hợp để đưa nghệ thuật bài chòi vào trong trường học, qua đó giúp các bạn trẻ ngày càng yêu thích hơn loại hình nghệ thuật dân gian này.

Tại tỉnh Quảng Bình, hội bài chòi được duy trì và tổ chức, thu hút đông đảo người dân ở các làng quê tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp Tết và lễ hội đầu Xuân. Qua đó, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi, vừa góp phần gìn giữ, phát huy hơn nữa những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm