Mô hình sản xuất hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Đinh Văn - Lâm Hà |
Điều không thể phủ nhận huyện Lâm Hà vẫn là một huyện nông nghiệp với trên 48.089ha đất sản xuất nông nghiệp. Phần lớn diện tích sản xuất của huyện được canh tác trồng cây lâu năm chiếm 42.311ha với 3 loại cây trồng chủ lực chè, cà phê, dâu tằm; trong đó, chủ yếu là cây cà phê với 40.000ha. Diện tích còn lại là cây hàng năm, bao gồm các loại cây trồng chính: lúa, ngô, đậu và hoa màu. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và nông nghiệp chất lượng cao trong thời gian qua là một trong những chương trình trọng tâm của Lâm Hà. Qua đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, lập quy hoạch chuyển đổi diện tích 168ha lúa 1 vụ sang trồng các loại rau, hoa công nghệ cao; khôi phục phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm, chè; thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, UTZ; quy hoạch lại 4 vùng chăn nuôi… và gia tăng tổng đàn bò sữa. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư với hộ nông dân, nhất là việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Từ những bước đi trên đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển đúng hướng, tiến tới đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tập trung thâm canh, đưa nhanh các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng công nghệ cao đối với các sản phẩm rau, hoa, chè, dâu tằm, cà phê và bò sữa” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Tài cho hay.
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian qua theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và phát triển rừng, góp phần tăng trưởng trong khu vực này bình quân mỗi năm đạt 5,9% (giai đoạn 2011 - 2015); giá trị thực tế ngành nông nghiệp không ngừng gia tăng qua các năm. Nếu như năm 2011, khu vực nông nghiệp giá trị sản xuất của ngành đạt gần 3.585 tỷ đồng thì ước thực hiện cuối năm 2015 sẽ mang lại một lượng giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt gần 6.515 tỷ đồng. Còn nếu chia theo ngành sản xuất, hiện tại lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp) chiếm gần 6.400 tỷ đồng, lâm nghiệp hơn 27,5 tỷ đồng và thủy sản 87,4 tỷ đồng trong tổng GDP của khu vực nông nghiệp.
Mặc dù Lâm Hà đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng nền nông nghiệp huyện vào sản xuất hàng hóa và đạt mức tăng trưởng khu vực nông nghiệp bình quân tăng 5,9% hàng năm nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đặt ra vào đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đối với khu vực này là đạt trên 6 - 7%. Điều đó cho thấy sự chuyển đổi còn thiếu mạnh mẽ, dẫn tới chưa thực hiện được kỳ vọng mang lại giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp như kế hoạch đặt ra. Cụ thể, chỉ tính riêng đối với cây cà phê - cây trồng chủ lực của huyện cần phải tập trung đầu tư cải tạo, thâm canh, tái canh cho năng suất, chất lượng cao nhưng hiện mới chỉ thực hiện đạt 11,23% so với tỷ lệ phấn đấu đạt 24,4%, tương đương 4.267ha/38.000ha. Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, đến cuối năm 2015, khu vực nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế huyện còn chiếm khá cao với 54% so với mục tiêu đặt ra là còn dưới 50%, cho thấy mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong quy mô nền kinh tế huyện. Chính vì thế mà tại Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2015 - 2020) mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cho rằng: Trong định hướng phát triển kinh tế của huyện cần tiếp tục khẳng định cơ cấu kinh tế chính của huyện là phát triển nông nghiệp. Do vậy cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Báo Lâm Đồng