Lâm Đồng chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sáng 31/7 vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN
Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sáng 31/7 vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Ngày 30/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 286/VPTT gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Đồng chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sáng 31/7 vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Theo đó, từ ngày 27 đến 13 giờ ngày 30/7, trên khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 120 mm, một số trạm có lượng mưa lớn như đèo Bảo Lộc 371 mm, thủy điện Đa M'bri 345 mm, Lộc Tân 337 mm, Đa Huoai 298 mm. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa to sẽ tiếp tục đến ngày 1/8, có nơi trên 170 mm. Mưa lớn gây ngập lụt một số khu vực, sạt lở một số tuyến đường, trong đó sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 20 trên đèo Bảo Lộc, thiệt hại về người và tiếp tục có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người bị nạn, phân luồng giao thông và khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các trục giao thông chính; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tỉnh Lâm Đồng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt các vùng sườn đồi dốc, bờ kè ta luy dương, đường đèo), các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, lắp đặt biển cảnh báo các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về tình hình, diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm