Lai Châu ứng dụng 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu

Lai Châu ứng dụng 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu (Techfest Việt Nam 2022) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, chiều 28/8, Ban Tổ chức Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu tổ chức Hội thảo chuyên đề ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu với chủ đề: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 8 điểm cầu trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Lai Châu ứng dụng 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu ảnh 1Các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Lai Châu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư ký kết kết nối đầu tư khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải nhấn mạnh: Việc phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế tất yếu nhằm đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản; kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt giá trị công nghệ cao, từng bước đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập với nền nông nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới.

Việc tổ chức hội thảo này là điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh của tỉnh Lai Châu và các đại biểu tham dự hội thảo tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; có cách nhìn tổng thể về việc ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển nông nghiệp của một số quốc gia trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn: Các đại biểu dự hội thảo cùng chia sẻ các kinh nghiệm, các giải pháp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Nêu rõ thực trạng phát triển ngành nông nghiệp, dược liệu của Lai Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Tống Văn Dương cho biết, Lai Châu có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 9.000 km 2, trong đó đất nông nghiệp là 638.615 ha. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2021 đạt 4,23%; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 225.000 tấn; chè búp tươi 44.000 tấn; cao su 8.571 tấn mủ khô; cây ăn quả các loại 54.000 tấn; chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt gần 467 tỷ đồng/năm…

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Lai Châu đã nỗ lực trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao, ban hành các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Quy mô ngành nông nghiệp còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu ngành còn chậm; hạ tầng giao thông, điện, viễn thông chưa phát triển và phát triển chưa đồng bộ; trình độ lao động kỹ thuật, lao động phổ thông còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng; doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân chưa nhiều; chính sách tín dụng khoa học công nghệ chưa đủ mạnh, khó thực hiện…

Thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ ban hành các Nghị quyết về phát triển rừng bền vững và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng đó, chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn trong áp dụng theo dõi mùa vụ, dịch hại cây trồng, theo dõi các hoạt động chăn nuôi, thủy sản; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ; công nghệ chế biến bảo quản, đóng gói, bao bì; công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất.

Tiến sĩ Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc khẳng định, để phát triển nông nghiệp, dược liệu ở các tỉnh Tây Bắc cần thống nhất trong quan điểm phát triển kinh tế vùng Tây Bắc nói chung và phát triển nông nghiệp, dược liệu nói riêng; nâng cao năng lực cho người lao động và cán bộ quản lý vùng; đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế trong vùng và liên vùng. Chú trọng công tác đào tạo cho nông dân, các nhà quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; ứng dụng công nghệ thông tin cần lưu ý đến tính đặc thù của từng vùng, địa phương cho phù hợp.

Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp Lai Châu chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến sâu khi đưa sản phẩm ra thị trường nên chưa tạo được nhiều sinh kế cho người dân. Do vậy, Lai Châu cần có nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân xúc tiến thị trường để đưa sản phẩm đi tiêu thụ và xây dựng hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, tỉnh nên  kết hợp tổ chức tập huấn với xây dựng thương hiệu và làm cầu nối để kết nối doanh nghiệp ngoài nước trong tiêu thụ sản phẩm; tại các cuộc họp của tỉnh nên sử dụng những sản phẩm khởi nghiệp nhỏ và vừa để làm quà tặng và nâng cấp bao bì sản phẩm chất lượng, tạo động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn Lai Châu tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn nữa gắn với du lịch cộng đồng, kinh tế nông nghiệp; những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, dược liệu cần được kết nối thông tin, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Các huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác triệt để những doanh nghiệp, đối tác để tìm đầu ra sản phẩm. Cục và các đơn vị sẽ luôn đồng hành với các huyện, các doanh nghiệp, các tỉnh về ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu.

Dịp này, các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Lai Châu cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ký kết kết nối đầu tư khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm