Lai Châu: Tập trung tìm kiếm người mất tích, giúp dân khắc phục thiệt hại do mưa đá và gió lốc

Lai Châu: Tập trung tìm kiếm người mất tích, giúp dân khắc phục thiệt hại do mưa đá và gió lốc
Mưa lũ, giông lốc khiến nhiều hộ dân bị sập đổ nhà. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
 Mưa lũ, giông lốc khiến nhiều hộ dân bị sập đổ nhà. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Đến 17 giờ ngày 24/4, nạn nhân Ma A Sinh vẫn chưa được tìm thấy, hai người bị thương là Giàng Thị Dấu và Giàng Thị Ly đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, sức khỏe đã ổn định. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) Vương Thế Mẫn cho biết, chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng để tìm kiếm nạn nhân mất tích và khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết, mất tích và bị thương. Thượng tá Lý Ngọc Linh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Dào San - đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Mù Sang cho biết, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích, giúp người dân bị thiệt hại nhà cửa di dời đến nơi an toàn. Do trên địa bàn vẫn còn mưa và rét buốt nên công tác tìm kiếm và khắc phục thiệt hại gặp khó khăn. Lực lượng Biên phòng cũng động viên người dân từ khu vực nguy hiểm di chuyển lên khu vực an toàn, tiến hành gia cố kè các các khu vực xung yếu.
Chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng giúp dân dọn dẹp, di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng giúp dân dọn dẹp, di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Huyện Phong Thổ là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong trận mưa đá, gió lốc và lũ lần này: hơn 700 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 13 nhà sập hoàn toàn; gần 300 ha hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Những gia đình có nhà ở bị sập đổ, hư hỏng nặng đã được bố trí ở tạm tại Nhà văn hóa bản, trường học, hoặc ở nhờ những gia đình có nhà kiên cố. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, đợt mưa đá, gió lốc, lũ diễn ra diện rộng tại các huyện trong hai ngày qua đã làm hơn 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ, vỡ ngói và hàng nghìn héc ta cây cối hoa màu bị đổ gãy, dập nát. Riêng tuyến biên giới có hơn 100 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái hoàn toàn hoặc vỡ ngói, một nhà tổ chốt chặn phòng, chống dịch trên biên giới bị đổ sập, hư hỏng… Đây là đợt mưa đá, gió lốc lớn thứ 7 xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu và là đợt thứ 5 xảy ra trên địa bàn huyện biên giới Phong Thổ kể từ đầu tháng 3 đến nay, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và hoa màu của người dân.
Lãnh đạo Bộ đội biên phòng Lai Châu thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Lãnh đạo Bộ đội biên phòng Lai Châu thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Dự báo trong 1 - 2 ngày tới, địa bàn tỉnh Lai Châu tiếp tục có mưa trên diện rộng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương trực ban 24/24 giờ, phòng khi diễn biến thời tiết bất thường; tăng cường nắm bắt tình hình thời tiết, làm tốt công tác dự báo để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại.
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm