Do chịu ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao nên từ ngày 19/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa to diện rộng, gây thiệt hại tới tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, nhằm giảm tối ta thiệt hại do thiên tai gây ra.
Lai Châu là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt với nhiều núi cao, sườn dốc, cùng hệ thống khe suối dày đặc nên tình hình thiên tai diễn ra phức tạp và bất thường. Đặc biệt, vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh Lai Châu đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ cấp tỉnh đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đôn đốc, kiểm tra các ngành, địa phương lập, thực hiện các phương án, kế hoạch về phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ, đến người dân để ứng phó chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai; khẩn trương rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời; sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.
Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống thiên tai tại công trường; giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn các huyện theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành. Các chủ đập, hồ chứa chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện để chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Các ngành liên quan tổ chức lực lượng tuần tra, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương rẫy, không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú và không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi đang có mưa lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai các phương án phòng chống mưa lũ, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, có phương án, vị trí đổ thải, vị trí tập kết vật liệu đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống; tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo việc khắc phục mưa, lũ, sạt lở đất được thực hiện nhanh chóng, kịp thời; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn và phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, sụt lún, ngầm tràn, bến đò, đường bị ngập úng để người tham gia giao thông chủ động phòng tránh.
Mưa lớn trên diện rộng một tuần nay đã khiến nhiều điểm tại quốc lộ như: 4D, 4H, tỉnh lộ 127 thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh lộ 128 thuộc bản Làng Mô, xã Làng Mô; tỉnh lộ 133 thuộc địa phận xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ; tỉnh lộ 129 xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ… sạt lở ta luy dương khiến đá, bùn đất tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người, phương tiện qua lại. Tại bản Nặm So, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên đã có một người chết do bị lũ cuốn trôi.
Năm 2021, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại tại Lai Châu: 17 người bị thương, 750 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 656 ha cây trồng các loại bị gãy và nhiều công trình cơ sở hạ tầng, giao thông bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 97 tỷ đồng.
Nguyễn Oanh