Lai Châu phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

Lai Châu phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

Xác định người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở Lai Châu luôn quan tâm, động viên và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Lai Châu phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng ảnh 1Ông Nguyễn Ngọc Ánh (người uy tín bản Km2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) phát triển kinh tế từ nghề làm miến dong. Ảnh: baolaichau.vn

Cánh tay nối dài của Đảng

Lai Châu hiện có hơn 60 xã vùng đặc biệt khó khăn và trên 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều kiện giao thông khó khăn, nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Vì vậy, vai trò của người có uy tín rất quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết. Họ thực sự là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, là "cánh tay nối dài" của Đảng.

Tới thăm bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, người dân trong bản ai cũng ca ngợi bác Bí thư Chi bộ bản Tổng Pịt, người có uy tín Lý Văn Hom hết lòng với bà con dân bản.

Bản Tổng Pịt hiện có 94 hộ dân sinh sống, trong đó có 73 hộ gia đình là người dân tộc Khơ Mú còn lại là dân tộc Mông. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm xã, nên nhận thức của bà con và việc tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế.

Bí thư Chi bộ bản Tổng Pịt, người có uy tín Lý Văn Hom chia sẻ, xác định khó khăn về nhận thức, ông luôn trăn trở để người dân trong bản ngày càng được nâng cao nhận thức, vươn lên phát triển kinh tế thì việc đầu tiên ông cần làm là người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu về ăn, ở sinh hoạt trong ma chay, cưới hỏi.

Trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Hom còn vận động nhân dân trong bản tập trung chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế; đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân. Đến nay, đời sống của bà con bản Tổng Pịt ngày càng được cải thiện, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/người/năm; trong bản có 10 hộ gia đình có thu nhập khá, khoảng 100 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua, không quản ngày đêm, người có uy tín Lý Văn Hom đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức phòng, chống dịch; nhắc nhở dân bản đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, kiểm soát chặt chẽ sự biến động về nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người đi từ vùng dịch về địa bàn.

Phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín ở Lai Châu không chỉ tuyên truyền vận động tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mà còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tấm gương cho bà con dân bản học hỏi.

Điển hình, ông Nguyễn Ngọc Ánh - người có uy tín ở bản Km 2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư sản xuất miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh.

Gia đình ông Ánh hiện có 300 phên, mỗi ngày hai vợ chồng ông làm được 90 kg miến khô. Như mọi năm, thị trường miến ổn định, giá miến rơi vào khoảng 50-65.000 đồng/kg, đầu ra cũng không phải lo vì thương lái ở các tỉnh miền xuôi đặt hàng liên tục. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, có lúc không kịp làm cho các đơn hàng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng tiêu thụ miến chậm hơn, chủ yếu bán cho người dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh tâm sự, ông gắn bó với nghề làm miến gần 40 năm. Hợp tác xã có 11 hộ liên kết sản xuất theo phương thức truyền thống. Hiện sản phẩm miến đã trở thành nông sản hàng hóa mũi nhọn của xã Bình Lư, góp phần đem lại thu nhập cho các thành viên và bà con. Cùng với việc phát triển kinh tế, ông cũng luôn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con gặp khó khăn trong bản để cùng nhau vươn lên cải thiện cuộc sống.

Chú trọng bồi dưỡng người uy tín


Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với 20 dân tộc sinh sống. Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Lai Châu luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chỉ đạo rà soát, bổ sung thay thế người có uy tín đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy trình, tiêu chuẩn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các chính sách, chế độ đối với người có uy tín được bảo đảm thực hiện kịp thời, đúng quy định. Giai đoạn 2011-2021, Lai Châu đã dành gần 13 tỷ đồng để cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng người có uy tín trên địa bàn.

Mặt khác, UBND các cấp cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín; tổ chức các đoàn tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình người có uy tín gặp khó khăn; đặc biệt quan tâm kịp thời đến công tác khen thưởng, động viên người uy tín trong các lĩnh vực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Giai đoạn 2011-2021, tỉnh Lai Châu đã bình chọn 10.389 lượt người có uy tín gồm già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu tại các thôn, bản trong toàn tỉnh. Những năm qua, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, con cháu trong dòng họ, bản, làng, tổ dân phố, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Nổi bật là các phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Tuổi cao, gương sáng, hiến công, hiến kế xây dựng quê hương, đất nước”….

Từ năm 2016 đến nay, nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đóng góp được hơn 52.200 ngày công lao động, hiến trên 184.300 mét vuông đất và hơn 14 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 18,2 triệu đồng năm 2015 lên 41,7 triệu đồng/người vào năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 40,4% năm 2016 xuống còn 20,12% cuối năm 2019.

Trong lĩnh vực xã hội, người có uy tín tỉnh Lai Châu còn thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, trật tự an ninh xã hội; đồng thời tích cực vận động người thân trong gia đình, dòng họ không vi phạm tệ nạn xã hội, không chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt các quy ước, hương ước của bản và nơi cư trú.

Ông Lò Văn Cương, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho hay, tỉnh luôn coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Họ là những người nói và nghe bằng tiếng đồng bào mình, hiểu được lịch sử dân tộc, địa phương và có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là đại diện, nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân địa phương.

Để tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín, thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai các quy định về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Văn Cương - Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm