Các trường trên địa bàn huyện Tân Uyên đã được trang bị các phòng chức năng, phục tốt cho công tác dạy và học. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Uyên, khi mới chia tách, thành lập huyện vào năm 2008, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đối mặt với nhiều thách thức, nhất là giáo dục tại các xã đặc biệt khó khăn như Mường Khoa, Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít, Hố Mít. Toàn huyện có 35 trường nhưng chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Quy mô mạng lưới trường lớp, chất lượng học sinh, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, như: tỷ lệ phòng kiên cố, bán kiên cố thấp (60,1%), phòng tạm, nhờ chiếm tỷ lệ cao (39,9 %), các phòng chức năng, phòng học bộ môn còn thiếu so với nhu cầu; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt thấp. Đặc biệt tỷ lệ huy động học sinh lớp 9 tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học lớp 10 chỉ đạt 37,19%. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Nguyễn Thanh Văn cho biết, xác định rõ vị trí, vai trò của giáo dục trong sự phát triển chung, rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng đặc biệt khó khăn so với mặt bằng chung, huyện đã quy hoạch mạng lưới trường lớp, ổn định nhân sự, tổ chức các trường, xác định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục đến các cấp, ngành, nhân dân. Đồng thời, huyện ban hành các kế hoạch, chuyên đề về giáo dục, trong đó có kế hoạch thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn”. Hằng năm, UBND các xã, thị trấn đưa các chỉ tiêu về giáo dục vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, huyện tập trung đổi mới phương pháp dạy học gắn với dạy học theo đối tượng vùng miền, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh việc giáo dục rèn kỹ năng sống, tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường mầm non, tiểu học. Cùng với đó, huyện thực hiện đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo hướng thực chất và coi đây là khâu đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường tổ chức tốt các hoạt động bán trú gắn với tâm lý lứa tuổi, truyền thống văn hóa địa phương; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Các trường tổ chức tốt hoạt động nuôi dưỡng học sinh bán trú, nội trú, gắn với thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ lứa tuổi nhà trẻ; duy trì các hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh đến trường. Các xã huy động học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm một cách hợp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trường, lớp kiên cố, khang trang sạch đẹp tại xã Nậm Sỏ (Tân Uyên). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Huyện cũng thường xuyên quan tâm đến việc huy động và tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ, theo thứ tự ưu tiên về cơ sở vật chất trường học, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà công vụ cho giáo viên... Huyện đầu tư trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học. Huyện ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư, vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cho những vùng đặc biệt khó khăn… Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên khẳng định, với các giải pháp đồng bộ, ý chí cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công tác giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Quy mô, mạng lưới trường lớp học nói chung và vùng đặc biệt khó khăn được mở rộng. Toàn huyện có 36 trường, 642 lớp, 19.298 học sinh. Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực. Huyện đã được công nhận xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, phổ cập Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đến nay, huyện có 10 trường chuẩn quốc gia.
Bữa ăn bán trú của học sinh. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên cho biết, theo mục tiêu đến năm 2020, huyện Tân Uyên sẽ thực hiện bước đột phá trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói chung và chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn nói riêng. Trong đó, huyện làm tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp và duy trì sĩ số; thực hiện đúng quy định công tác dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh đáp ứng mục tiêu giáo dục, sinh hoạt chuyên môn; tăng cường kiểm tra, tư vấn các trường có chất lượng giáo dục thấp... Những kết quả đạt được sẽ góp phần rút dần khoảng cách giáo dục vùng miền để huyện hoàn thành tiêu chí về giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Việt Hoàng