Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á

Công nhân Công ty cổ phần Chè Lai Châu đóng gói sản phẩm chè đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Công nhân Công ty cổ phần Chè Lai Châu đóng gói sản phẩm chè đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Tỉnh Lai Châu đã có nhiều chủ trương, chính sách, hoạt động nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản; trong đó đẩy mạnh xúc tiến đầu tư sản phẩm chè vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Tỉnh Lai Châu có hơn 8.500 ha diện tích chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh khoảng 6.000 ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2021 đạt khoảng 44.000 tấn.

Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ảnh 1Công nhân Công ty Cổ phần Chè Lai Châu dán tem cho sản phẩm chè Tam Đường. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Toàn tỉnh hiện có hơn 20 công ty, doanh nghiệp và trên 50 cơ sở mini chế biến chè búp tươi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân có diện tích hơn 5.700 ha. Các sản phẩm chè như chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè Olong… của Lai Châu chủ yếu được xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác dưới dạng đóng bao lớn sang các thị trường Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc).

Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Lai Châu cho biết: Những năm gần đây chè xanh của Việt Nam có khoảng hơn 50% sản phẩm được xuất bán vào thị trường Trung Đông. Thị trường này rất thuận lợi cho việc xuất khẩu chè xanh bởi nhu cầu sử dụng chè nơi đây là mặt hàng thiết yếu, số lượng tiêu thụ lớn và kỹ thuật sản xuất còn dễ tính.

Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ảnh 2Công nhân Công ty Cổ phần Chè Lai Châu thu mua chè búp tươi của người dân. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nếu không có thị trường này thì ngành chè gặp nhiều khó khăn. Đây là tiềm năng lớn để các doanh nghiệp trong nước tận dụng xuất khẩu chè. Toàn bộ sản phẩm chè của Công ty cổ phần Chè Lai Châu được xuất bán sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), chiếm 40%, Trung Đông chiếm 45%, châu Âu chiếm 10%, số còn lại được tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, năm 2021, Công ty xuất bán sang thị trường Trung Đông gần 3.000 tấn chè xanh bán với giá từ 1,2 USD - 3 USD.

Đáng lưu ý, ngày 15/6 UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu tại Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư sản phẩm chè vào 3 thị trường này.

Đây là cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh Lai Châu tìm kiếm các đối tác mới và tìm ra giải pháp thúc đẩy việc xuất khẩu mặt hàng chè của tỉnh Lai Châu sang thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á; hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Lai Châu cập nhật thông tin về thị trường chè ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Cùng đó, nắm rõ các yêu cầu đặc thù của khu vực (về sở thích, thị hiếu người dân, văn hóa…), qua đó, định hướng cho doanh nghiệp trong sản xuất, phát triển sản phẩm phù hợp, có tính cạnh tranh cao; tìm biện pháp giải quyết trong kênh thanh toán đối với các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á và trưng bày quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển các sản phẩm về chè và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lai Châu.

Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ảnh 3
Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ảnh 4Công nhân Công ty cổ phần Chè Lai Châu đóng gói sản phẩm chè đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Bà Phạm Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh chia sẻ, với kinh nghiệm làm chè đã được gần 20 năm, trung bình mỗi năm xuất bán gần 1.500 tấn chè xanh sang thị trường Pakistan hy vọng trong buổi hội thảo tới đây sẽ có cơ hội tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường để không phụ thuộc vào một thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định để yên tâm sản xuất.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó có hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè tập trung và chè cổ thụ. Người trồng chè được tỉnh hỗ trợ 100% giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái chè. Với những hộ khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng chè được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Đây là động lực giúp bà con gắn bó lâu dài với cây chè.

Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ảnh 5Khách hàng đến mua sản phẩm chè của Công ty Cổ phần Chè Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Đồng thời, UBND tỉnh Lai Châu tạo mọi điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi nhằm hạn chế việc tranh mua, tranh bán, đảm bảo chất lượng đầu vào nguyên liệu.

Để phát triển sản xuất chè bền vững, thời gian tới, Lai Châu tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc chè và khuyến khích bà con phát triển sản xuất chè hữu cơ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kiểm soát chặt người dân trong việc chăm sóc và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Lai Châu mở rộng tiêu thụ nông sản vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ảnh 6Sản phẩm chè Công ty Cổ phần Chè Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Cùng đó, yêu cầu các đơn vị thu mua chè quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu của mình; chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu và quan tâm phát triển thị trường chè nội địa, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á nhằm tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm chè ổn định.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm