Lai Châu khống chế bùng phát bệnh dại

Lai Châu khống chế bùng phát bệnh dại

Từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện chó bị dại đi cắn nhiều người. Ngay sau khi xuất hiện bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm khoanh vùng, khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Lai Châu khống chế bùng phát bệnh dại ảnh 1Tiêm vaccine phòng dại cho chó tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN phát

Tại huyện biên giới Phong Thổ, từ đầu tháng 9, trên địa bàn xã Bản Lang xuất hiện chó bị dại cắn nhiều người tại bản Nà Cúng. Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ, con chó bị dại là của gia đình anh Vàng Văn Tướng ở bản Nà Cúng, xã Bản Lang. Anh Tướng mua chó của một gia đình ở bản Phiêng Đanh, xã Mường So, huyện Phong Thổ, nuôi theo hình thức thả rông và chưa tiêm vaccine phòng dại. Vào cuối tháng 8 vừa qua, con chó này có biểu hiện chảy nhiều nước dãi, mắt đỏ, đến ngày 2/9 đã cắn 5 người.

Nhận được thông tin từ UBND xã Bản Lang, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ đã đến xác minh, vận động gia đình tiêu hủy chó; đồng thời, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả mẫu dương tính với virus dại.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, xã Bản Lang xuất hiện bệnh dại trên đàn chó, mèo. Đa số các hộ dân nuôi chó, mèo thả rông và việc mua bán chó vận chuyển qua lại giữa các vùng mà chưa được tiêm phòng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Đây cũng là nguyên nhân gây phát sinh bệnh dại ở Bản Lang đợt này.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Bản Lang chia sẻ, để giảm nguy cơ bùng phát bệnh dại, trong năm 2023 xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại. Mặt khác, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức hơn nữa, chủ động phối hợp tiêm phòng cho vật nuôi.

Đến nay, xã Bản Lang đã được cấp phát 100 lít hóa chất, 50kg vôi bột để tiêu độc khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt mầm bệnh và 920 liều vaccine dại để tổ chức tiêm phòng bổ sung và tiêm lại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn.

Toàn huyện Phong Thổ hiện có gần 11.000 con chó, mèo được người dân nuôi, nhốt. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức cho các gia đình ký cam kết nuôi chó, mèo thực hiệm tiêm phòng; kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dại và việc buôn bán, vận chuyển chó, mèo trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Lý A Chú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ cho biết, “Ngay sau khi nhận được thông tin Trung tâm đã cử cán bộ vào điều tra nguyên nhân dịch tễ, cùng chính quyền địa phương triển khai đồng bộ giải pháp như: rà soát tổng đàn chó, mèo; tuyên truyền, vận động người dân nhốt, xích và theo dõi, giám sát đàn chó. Hiện 5 người bị chó cắn và 2 người nghi phơi nhiễm đều đi tiêm vaccine phòng dại”.

Tương tự, tại thành phố Lai Châu, những ngày trung tuần tháng 9, ở bản Thành Công, xã San Thàng, thành phố Lai Châu xảy ra sự việc một con chó vô chủ bị dại cắn một cháu bé hơn 3 tuổi. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố thực hiện tiêu huỷ, tổ chức khoanh vùng không để dịch dại lây lan. Đồng thời, hướng dẫn gia đình có cháu bé bị chó cắn tiêm vacine phòng dại và huyết thanh kháng dại. Đồng thời, triển khai tiêm phòng bệnh dại đồng loạt trên đàn chó, mèo của bản Thành Công; đẩy mạnh tuyên truyền, đề nghị nhân dân quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo của gia đình, tuyệt đối không được thả rông ngoài đường mà không đeo rọ mõm.

Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã San Thàng, thành phố Lai Châu cho hay, sau khi nắm bắt công dân bị chó dại cắn, xã chỉ đạo các bản thống kê đàn chó để tổ chức tiêm phòng. Mặt khác, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách xử lý khi bị chó cắn và vận động các hộ cần nuôi nhốt, không thả rông chó mèo.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 15 ổ dịch bệnh dại ở chó tại 14 xã, phường, thị trấn của 4 huyện Nậm Nhùn, Phong Thổ, Mường Tè, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Tổng số chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại gồm 78 con thuộc 25 bản, tổ dân phố. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh có trên 1.300 người bị chó, mèo cắn phải tiêm dự phòng và một trường hợp tử vong do nghi mắc bệnh dại tại huyện Mường Tè.

Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho hay, trước sự nguy hiểm của bệnh dại và diễn biến phức tạp, Chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các ổ dịch và khu vực lân cận; rà soát tổng đàn chó mèo, tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định; nghiêm cấm giết mổ, bán, vứt xác động vật ra môi trường, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, nơi nguy cơ cao; tuyên truyền người dân nuôi nhốt, xích chó mèo. Đến nay, toàn tỉnh còn 4 ổ dịch dại chưa qua 21 ngày ở xã Mường Tè, Bản Lang, Bản Giang và San Thàng.

Trong 9 tháng của năm, toàn tỉnh Lai Châu triển khai tiêm được trên 34 nghìn liều vaccine so với tổng đàn khoảng 65 nghìn con chó, mèo. Đồng thời, sử dụng trên 2.300 lít hóa chất, 1.500kg vôi bột thực hiện tiêu độc khử trùng khu vực tiêu hủy động vật. Ngoài ra, các địa phương tăng cường quản lý, xử lý chó thả rông, thành lập các tổ, đội bắt giữ chó thả rông.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị đúng cách, kịp thời. Vì vậy, khi bị súc vật nghi dại cắn, người dân cần đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc các phòng tiêm chủng của thành phố, huyện để được tư vấn, tiêm vaccine đủ mũi và đúng thời gian quy định.

Cùng với đó, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức trong việc quản lý, tiêm phòng vaccine bệnh dại trên đàn chó, mèo nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, gia đình và xã hội.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm