Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà vừa ký và ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk, bệnh dại trên động vật xảy ra tại 4 địa phương gồm: huyện Krông Pắc, Cư M'gar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột. Có 18 trường hợp người bị chó mắc bệnh dại cắn; trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột có số người bị chó dại cắn nhiều nhất là 8 trường hợp; đã xảy ra 1 trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại trên người tại huyện Krông Búk vào tháng 4/2023. Hiện tại, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do tại Đắk Lắk tỷ lệ chó được tiêm phòng rất thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 30% tổng đàn; người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến chó mắc bệnh dại cắn chó, cắn người.
Để nâng cao hiệu quả việc phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan tại địa phương triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vaccine dại theo quy định; tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư; thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023 - 2025 và trên 80% giai đoạn 2026 - 2030…
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, các cấp cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại hiệu quả.
Nguyên Dung